Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, hiện có khoảng 30.000 người nhập cư và tị nạn đang kẹt lại trên các đảo của Hy Lạp, trong đó riêng đảo Lesbos có đến 20.000 người. Hy Lạp đang đối mặt với tình trạng quá tải người nhập cư.
Dòng người nhập cư chờ đợi để băng qua biên giới Hy Lạp và Macedonia. Ảnh: Reuters |
Ngày 8-9, các quan chức Hy Lạp hối hả mở các trung tâm mới để giải quyết cho 30.000 người nhập cư và tị nạn đang ở các đảo của đất nước này. Bộ trưởng Nhập cư Hy Lạp thừa nhận rằng, với 20.000 người nhập cư đang có mặt để tìm cách tiến đến các nước châu Âu giàu có, đảo Lesbos hiện “bên bờ vực bùng nổ” bởi đã xảy ra xung đột giữa cảnh sát với những người nhập cư trong đêm 7-9. Lesbos, nơi có khoảng 85.000 dân sinh sống, là một đảo của Hy Lạp nằm ở đông bắc biển Aegea. Đảo này đang phải đối phó với làn sóng nhập cư ồ ạt từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gần đó.
Nữ phát ngôn của Cơ quan Tị nạn LHQ Melissa Fleming cũng xác nhận có khoảng 30.000 người nhập cư và tị nạn đang ở các đảo của Hy Lạp. Theo bà Fleming, “một vài ngàn” người nhập cư đến Hy Lạp mỗi ngày và hơn 230.000 người đã đến quốc gia này trong năm nay; hầu hết là người Syria, Iraq và các nước Trung Đông hoặc châu Á khác chạy khỏi chiến tranh và bạo lực; để từ đó họ sẽ đến Macedonia theo “con đường Balkan”. Sau khi đến Macedonia, họ sẽ di chuyển bằng đường bộ tới Serbia và Hungary, đồng thời hy vọng sẽ tiếp tục đến được Đức, Áo, Thụy Sĩ hay các nước Bắc Âu khác.
Lực lượng bảo vệ bờ biển của Hy Lạp cũng cho biết, các tàu tuần tra của Athens đã cứu 500 người nhập cư trong vòng 24 giờ, từ ngày 7-9 đến 8-9, ở biển đông Aegea. Những người này được tìm thấy khi đi trên các tàu nhỏ gần đảo Lesbos. Hãng AFP dẫn lời Chủ tịch đảng Dân chủ mới của Hy Lạp Evangelos Meimarakis nói rằng, Athens phải thúc đẩy các hàng rào biên giới để kiểm soát làn sóng người nhập cư chưa từng có đổ vào quốc gia này.
Trước cuộc khủng hoảng nhập cư đang ngày càng nghiêm trọng, phát biểu tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk cảnh báo, dòng người tị nạn đổ về châu Âu như thế có thể kéo dài trong một vài năm. Theo ông, với cuộc khủng hoảng nhập cư, châu Âu phải học cách “sống chung” chứ không đổ lỗi cho nhau. EU đang bị chia rẽ sâu sắc khi đối phó với khủng hoảng. Trong đó, các nước như Đức thúc giục sự đoàn kết và cùng chia sẻ gánh nặng; còn các nước như Hungary vẫn giữ quan điểm cứng rắn.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban vẫn muốn thúc đẩy xây dựng hàng rào thép gai để ngăn chặn dòng người nhập cư ở biên giới phía nam với Serbia. Ban đầu, Hungary cho biết sẽ xây hàng rào cao 4m trên tuyến biên giới dài 174km vào cuối tháng 11 tới. Song, đến tháng 7 vừa qua, ông Orban kêu gọi việc xây dựng cần được hoàn tất trước ngày 31-8 vừa qua nhưng kế hoạch này đã không được thực hiện.
Đức, nền kinh tế hàng đầu của châu Âu, tuyên bố rằng trong một vài năm, nước này có thể tiếp nhận khoảng 500.000 người tị nạn/năm. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh: Các nước châu Âu khác phải chấp nhận chia sẻ công bằng gánh nặng này bởi không thể chỉ dựa vào một số nước như Áo, Thụy Điển và Đức.
“Đó là lý do vì sao tôi chắc chắn rằng, chính sách của châu Âu cần thay đổi”, ông Gabriel nói. Phó Thủ tướng Đức còn cho rằng, nếu các nước Đông Âu và những nơi khác từ chối tiếp nhận người nhập cư thì hệ thống biên giới mở cửa của khối, còn được gọi là Schengen, sẽ bị đe dọa. “Đây không những sẽ là đòn giáng chính trị bi đát đối với châu Âu, mà còn là đòn giáng kinh tế nặng nề”, ông Gabriel nhìn nhận.
LHQ cũng thúc giục châu Âu cần có “phản ứng toàn cầu”. “Chúng ta nên có một phản ứng của châu Âu như một phần của phản ứng toàn cầu”, đại diện LHQ về tị nạn và phát triển Peter Sutherland khẳng định.
PHÚC NGUYÊN