Quốc tế

Tàu chiến Mỹ đến Biển Đông: Trung Quốc dọa "đáp trả mạnh mẽ"

07:40, 29/10/2015 (GMT+7)

Trung Quốc dọa sẽ “đáp trả mạnh mẽ” việc Mỹ đưa tàu chiến hiện đại đến khu vực trong vòng 12 hải lý quanh bãi cạn Subi và đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép. Trong khi đó, dư luận quốc tế ủng hộ động thái của Mỹ.

Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy bãi Subi mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.                                                                                                Ảnh: Getty Images
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy bãi Subi mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: Getty Images

Trung Quốc đã triệu Đại sứ Mỹ để bày tỏ sự phản đối về việc tàu khu trục USS Lassen tuần tra ở gần đảo mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trên Biển Đông và dọa sẽ “đáp trả mạnh mẽ”. AP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh “vô cùng thất vọng và kiên quyết phản đối” các hành động của Mỹ. Trang web của cơ quan này cho rằng, Mỹ đã hành động bất chấp sự phản đối của Trung Quốc… Người phát ngôn hải quân Trung Quốc Lương Dương cảnh báo: Bất kỳ hành động xâm nhập nào của tàu hải quân Mỹ vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền (trái phép) trên Biển Đông đều có thể “gây ra các sự cố”.

Hãng AFP cho biết, ngày 28-10, báo chí Trung Quốc chỉ trích Mỹ nhưng hầu hết kêu gọi Bắc Kinh “giữ cái đầu lạnh”. Tờ Thời báo hoàn cầu muốn Bắc Kinh kiềm chế và gọi động thái của Mỹ là “hành động bắt nạt”. Còn người dân của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thông qua mạng Internet để kêu gọi chính phủ hành động mạnh mẽ hơn. Ông Zhu Feng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hợp tác Biển Đông tại Đại học Nam Kinh, bày tỏ hy vọng Trung Quốc kiềm chế nếu quả thật không muốn đối đầu với Mỹ.

Trung Quốc từng nhiều lần cảnh báo sẽ có hành động kiên quyết để chống bất kỳ nước nào vi phạm chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Khu vực tàu khu trục USS Lassen tuần tra nằm gần đảo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép. Khi tàu Mỹ kết thúc sứ mệnh tuần tra, Bắc Kinh chỉ theo dõi, đưa ra cảnh báo mà không can thiệp.

Tuy nhiên, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định đã điều tàu khu trục tên lửa Lan Châu và tàu khu trục tuần tra Đài Châu bám sát tàu USS Lassen. Máy bay quân sự của Trung Quốc cũng bám theo tàu USS Lassen. Song, chưa có thông tin nào xác nhận những gì mà Tân Hoa xã đăng tải.

Theo AP, Mỹ nói rằng, cường quốc này không tuyên bố về chủ quyền trên Biển Đông nhưng muốn bảo đảm sự tự do hàng hải và hàng không nơi đây. Khoảng 30% thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông, một ngư trường phong phú và giàu tiềm năng khoáng sản. Hoạt động tuần tra của Mỹ được cho là động thái mạnh mẽ nhất nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.

Song, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, Washington muốn quan hệ với Trung Quốc tiếp tục sâu sắc và căng thẳng xung quanh việc tàu USS Lassen tuần tra không tác động tiêu cực đến quan hệ giữa hai nước. “Mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc rất quan trọng và chúng tôi muốn quan hệ này tiếp tục được thúc đẩy, mang lại lợi ích cho cả hai nước”, ông Kirby nói với báo giới ở Washington.

Chiến dịch tuần tra của Mỹ diễn ra ngay trước thềm các cuộc gặp đa phương, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ở thủ đô Manila (Philippines) vào tháng 11 tới. Cộng đồng quốc tế hầu hết đồng tình về “sự thách thức tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông”, đồng thời quan tâm đến thái độ của Bắc Kinh đối với các cuộc tuần tra của Washington trong tương lai ở vùng biển này.

Trong đó, một quan ngại đặt ra là Bắc Kinh có thể nhân vụ việc này để lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Hạ nghị sĩ Mỹ Randy Forbes cho rằng, hành động của Washington là cần thiết khi Trung Quốc không có tuyên bố hợp pháp nào đối với chủ quyền tại vùng biển nói trên.

PHÚC NGUYÊN

.