Quốc tế

Máy bay Nga rơi ở Ai Cập: IS là thủ phạm?

08:05, 02/11/2015 (GMT+7)

Nhóm phiến quân có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Ai Cập nhận trách nhiệm đã bắn rơi máy bay của Nga vào ngày 31-10, làm 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Tuy nhiên, cả Mátxcơva lẫn Cairo đều nghi ngờ tuyên bố này.

Các nhà chức trách Ai Cập có mặt tại hiện trường máy bay rơi. 					       Ảnh: AP
Các nhà chức trách Ai Cập có mặt tại hiện trường máy bay rơi. Ảnh: AP

Theo hãng Bloomberg, đây cũng có thể là thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất của Nga. Vụ việc lần này đánh dấu sự bất thường của ngành công nghiệp hàng không thế giới sau hàng loạt thảm kịch máy bay dân dụng rơi vào năm ngoái.

Nước mắt ở Nga

Ngày 1-11, Nga tổ chức quốc tang tưởng niệm các nạn nhân. Trong số 217 hành khách có mặt trên chiếc máy bay Airbus-321 thuộc Hãng hàng không Kogalymavia (tên chi nhánh là Metrojet), đi từ khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Sharm el-Sheikh bên bờ Biển Đỏ (Ai Cập) đến thành phố St.Petersburg (Nga), có 214 người Nga và 3 người Ukraine. Nạn nhân nhỏ nhất là một bé gái 10 tháng tuổi và cao tuổi nhất là một phụ nữ 77 tuổi.

Quốc kỳ Nga được treo rủ tại trụ sở Quốc hội, Điện Kremlin và các tòa nhà khác của chính phủ. Gia đình các nạn nhân có mặt ở sân bay Pulkovo của thành phố St.Petersburg để chờ đợi tin tức. Một trung tâm xử lý khẩn cấp đã được thiết lập ngay tại sân bay. Nhiều gia đình tập trung tại một khách sạn gần sân bay và cùng nhau cầu nguyện. Nhưng rồi họ đau đớn và bật khóc khi tiếp nhận thông tin rằng, tất cả những người có mặt trên máy bay đều thiệt mạng. Những giọt nước mắt, những cái ôm siết trong nghẹn ngào. Niềm hy vọng mong manh về một điều kỳ diệu nào đó cũng không còn nữa.

Chỉ sau 23 phút từ khi cất cánh, máy bay đã mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu và sau đó rơi theo phương thẳng đứng xuống vùng núi xa xôi trên bán đảo Sinai của Ai Cập, vỡ thành nhiều mảnh, bốc cháy. Hãng Reuters dẫn lời Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail cho biết, dường như không có điều gì bất thường đằng sau vụ máy bay rơi nhưng sự thật sẽ được làm sáng tỏ khi tiến hành điều tra. Ông Ismail cũng xác nhận đã tìm được các mảnh vỡ và 163 thi thể nhưng cơ hội tìm thấy những người sống sót là điều không thể. Những thi thể đã dần được đưa về Cairo để làm xét nghiệm ADN rồi đưa về Nga trên một chuyến bay đặc biệt của Bộ Tình trạng khẩn cấp.

Hoài nghi về tuyên bố của IS

Nhóm chiến binh liên quan IS tại Sinai tuyên bố đã bắn hạ một máy bay Nga nhằm trả đũa các cuộc không kích của Mátxcơva tại Syria. Sinai là địa bàn hoạt động của nhóm phiến quân đã thề trung thành với IS.

Theo Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail, các chuyên gia cho rằng, máy bay không thể bị bắn ở độ cao khoảng 9.500m, mà lỗi kỹ thuật có thể là nguyên nhân. Bởi lẽ, nhà chức trách hàng không Ai Cập cho biết, trước khi xảy ra tai nạn, phi công đã yêu cầu hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay thành phố El Arish do trục trặc kỹ thuật.

Một quan chức chính phủ và 3 chuyên gia quân sự của Ai Cập cũng cho rằng, IS không thể dùng các tên lửa đất đối không để bắn hạ máy bay ở độ cao như thế nhưng không thể loại trừ việc bom được đặt trên máy bay hoặc một cuộc tấn công bằng tên lửa đất đối không trong lúc máy bay giảm dần độ cao. Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Nga Maxim Sokolov khẳng định tuyên bố của chi nhánh liên quan IS không thể được xem là chính xác.

Các hãng hàng không Lufthansa (Đức), Emirates (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) và Air France (Pháp) đều cho hay, họ sẽ ngừng các chuyến bay ở không phận Sinai cho đến khi làm rõ nguyên nhân vụ rơi máy bay. Giới chức Ai Cập cũng đã gửi hộp đen của máy bay cho các nhà phân tích. Ngay trong ngày 31-10, Bộ trưởng Giao thông Maxim Sokolov và Bộ trưởng Khẩn cấp Nga Vladimir Puchkov cùng một nhóm chuyên gia đến thủ đô Cairo để tham gia cuộc điều tra do Ai Cập dẫn đầu. Hai nhà điều tra về tai nạn hàng không từ Pháp, quê nhà của hãng Airbus, cũng đến Cairo cùng 6 chuyên gia khác.

Các nhân viên cứu hộ Ai Cập đã triển khai công tác tìm kiếm tới phạm vi 15km sau khi tìm thấy nhiều phần thi thể nạn nhân nằm cách xa vài km so hiện trường.

Hàng hàng không Kogalymavia được thành lập vào năm 1993, ban đầu có tên gọi là Kolavia. Hạm đội bay bao gồm 2 máy bay A320 và 7 máy bay A321.

Máy bay A321 được đóng vào năm 1997 và hãng Metrojet vận hành từ năm 2012. Đến nay, A321 đã thực hiện 56.000 giờ bay với gần 21.000 chuyến bay.

Theo Reuters, Nga và các nước từng thuộc Liên Xô (cũ) vốn có điều kiện an toàn bay rất kém, nhất là các chuyến bay quốc nội. Một số vụ máy bay của Nga rơi được cho là do máy bay quá cũ. Song, các chuyên gia ngành công nghiệp hàng không còn chỉ ra những vấn đề khác như: việc huấn luyện phi hành đoàn kém, sân bay cũ kỹ, kiểm soát lỏng lẻo, phớt lờ sự an toàn mà theo đuổi lợi nhuận...

VĨNH AN

.