Quốc tế

THẾ GIỚI TUẦN QUA

Nước Nga với giả thuyết IS trả đũa

07:25, 09/11/2015 (GMT+7)

Chưa có kết luận chính thức về vụ chiếc máy bay Airbus-321 thuộc Hãng hàng không Kogalymavia của Nga rơi ở bán đảo Sinai của Ai Cập, làm 224 người chết. Song, thông tin một quả bom được đặt trên khoang máy bay là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch đang làm đau đầu các nhà chức trách Nga.

Nhiều du khách Nga vẫn sợ hãi khi từ thành phố Hurghada của Ai Cập về đến sân bay Domodedovo ở Mátxcơva. 				             Ảnh: AP
Nhiều du khách Nga vẫn sợ hãi khi từ thành phố Hurghada của Ai Cập về đến sân bay Domodedovo ở Mátxcơva. Ảnh: AP

Ngày càng có nhiều giả thuyết thiên về hướng máy bay Airbus-321 đã bị cài bom và là “sản phẩm” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Theo báo The Telegraph ngày 8-11, những kẻ thánh chiến người Anh với kinh nghiệm trong lĩnh vực điện tử và được đào tạo ở Syria có thể đã hỗ trợ chế tạo quả bom làm nổ chiếc A321. Nếu những thông tin này chính thức được xác nhận, phù hợp với kết quả điều tra thì đây quả thật là đòn trả đũa của IS nhằm vào Nga khi Mátxcơva tiến hành các cuộc không kích ở Syria.

Bác bỏ giả thuyết có bom

Đến  nay, Nga và Ai Cập vẫn bác bỏ giả thuyết có bom trên máy bay (nói cách khác là do “lực tác động từ bên trong”). Thậm chí, Nga tức giận khi các quan chức Anh tiết lộ thông tin tình báo ghi nhận được cho thấy IS lên kế hoạch tấn công khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh. “Nếu có thuốc nổ trên máy bay, chúng tôi sẽ tìm ra chúng”, ông Vladimir Puchkov, người đứng đầu Cơ quan Khẩn cấp Nga khẳng định.

Song, theo Reuters, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tạm ngừng các chuyến bay của nước này đến Ai Cập là dấu hiệu cho thấy Mátxcơva có thể tin giả thuyết nói trên. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: Việc tạm ngừng các chuyến bay không có nghĩa là Mátxcơva tin giả thuyết có bom. “Các chuyến bay sẽ tạm ngừng cho đến khi thiết lập được mức độ an ninh hàng không phù hợp giữa Nga và Ai Cập”, người phát ngôn này nói.

Giới chức Nga đang tính toán kế hoạch để đưa hết 80.000 công dân nước mình đang bị kẹt ở Ai Cập trở về, chủ yếu tại Sharm el-Sheikh và Hurghada. Hãng thông tấn RIA ngày 8-11 dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich nói rằng, trong vòng 24 giờ, Mátxcơva đã đưa được 11.000 công dân từ Ai Cập trở về.

Không chỉ Nga mà cả Anh cũng nỗ lực đưa công dân của mình về nhà sau khi London quyết định ngừng các chuyến bay chở khách du lịch đến Sharm el-Sheikh. Còn một số nước khác cảnh báo người dân không nên đến khu nghỉ mát bên bờ Biển Đỏ này trong lúc có những quan ngại về an ninh. Tình trạng du khách tháo chạy đang làm sân bay ở Sharm el-Sheikh trở nên hỗn loạn. Điều này là đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp du lịch của Ai Cập, khiến Cairo chỉ trích các chính phủ đang hành động vô lý.

Nga sẽ không khoan nhượng

Lúc này, câu hỏi được đặt ra là Nga sẽ phản ứng như thế nào nếu chiếc Airbus-321 chở 224 người bị khủng bố. Tất nhiên Nga không mong muốn “kịch bản xấu” này nhưng nếu IS đứng sau vụ tấn công thì đây là lần đầu tiên lực lượng thánh chiến - vốn đang kiểm soát một phần lãnh thổ của Syria và Iraq - đánh bom một máy bay chở khách.

Các nhà quan sát đưa ra nhiều lý giải: Một là, việc IS trả đũa Nga sẽ tác động đáng kể đến uy tín của Tổng thống Putin ở trong nước, ảnh hưởng đến chiến dịch không kích được cho là thành công mà Mátxcơva đã và đang thực hiện ở Syria. Với tâm lý lo ngại khủng bố, vì sự an toàn của mình trên hết, người dân Nga sẽ không còn dành sự ủng hộ đối với ông Putin nữa.

Hai là, ông Putin có thể sẽ không khoan nhượng bằng việc can dự sâu hơn nữa vào tình hình Trung Đông, thậm chí có thể “bắt tay” với các nước trong khu vực và ra lệnh trừng phạt IS. Nói như cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton, “chọc giận” ông Putin là sai lầm của IS. “Nếu trách nhiệm thuộc về IS thì đó là sai lầm lớn nhất của lực lượng này. Ông Putin sẽ ra lệnh trả đũa với quy mô lớn”, Đại sứ Bolton nói.

Theo nhà phân tích chính trị Stanislav Belkovsky, Tổng thống Putin hiểu đây là vụ tấn công khủng bố, vụ tấn công vào hệ quả trực tiếp của “cuộc phiêu lưu quân sự” mà Nga tiến hành tại Syria… Khi Nga bắt đầu tiến hành không kích ở Syria từ ngày 30-9 vừa qua và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã dự báo rằng, bản thân nước Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả.

VĨNH AN

.