Quốc tế

Máy bay Nga rơi tại Ai Cập: IS đã cài đặt bom?

07:41, 06/11/2015 (GMT+7)

Mỹ và Anh cho rằng, chiếc máy bay Airbus-321 thuộc Hãng hàng không Kogalymavia của Nga đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đánh bom. Song, phía Mátxcơva bác bỏ giả thuyết này.

Quảng trường Dvortsovaya ở thành phố St.Petersburg của Nga tràn ngập hoa tưởng niệm các nạn nhân. Hầu hết những người thiệt mạng là công dân Nga. 									                     Ảnh: AP
Quảng trường Dvortsovaya ở thành phố St.Petersburg của Nga tràn ngập hoa tưởng niệm các nạn nhân. Hầu hết những người thiệt mạng là công dân Nga. Ảnh: AP

Nhiều giả thuyết đã được đặt ra xung quanh thảm kịch máy bay Airbus-321 mang số hiệu KGL-9268 bị rơi ở bán đảo Sinai (Ai Cập), làm 224 người thiệt mạng. Giả thuyết máy bay bị đánh bom được Mỹ và Anh đề cập ngày 5-11 trước khi London nhóm họp nội các khẩn cấp để bàn giải pháp đưa hàng ngàn du khách đang ở Ai Cập trở về nước. Reuters dẫn các nguồn tin an ninh của Mỹ và châu Âu nghi ngờ IS đã cài bom, dẫn đến việc máy bay rơi. Song, Mỹ và châu Âu chưa có kết luận cuối cùng về thảm kịch này. “Rất có thể đã có bom. Đó là điều mà IS muốn làm”, một quan chức Mỹ nói với AFP. Văn phòng của Thủ tướng Anh David Cameron cũng bày tỏ quan ngại về việc máy bay có lẽ bị rơi do một thiết bị phát nổ.

Thực tế, IS - lực lượng đang hoành hành ở Iraq và Syria, đồng thời chống lại quân đội Ai Cập tại bán đảo Sinai - tuyên bố đã bắn hạ máy bay. Không những thế, IS khẳng định sẽ nói cho thế giới biết họ đã thực hiện vụ tấn công như thế nào, đồng thời thách thức những ai có thể chứng minh vụ máy bay rơi không phải do lực lượng này thực hiện.

Đến nay, Nga và Ai Cập bác bỏ sự liên quan của IS trong thảm kịch ngày 31-10 vừa qua nhưng cả Mátxcơva lẫn Cairo đều không loại bỏ “kịch bản” nào có thể xảy ra. Kết quả của cuộc điều tra quốc tế vẫn chưa được công bố do phải chờ phân tích dữ liệu từ các hộp đen, nhưng điều này có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng. Nếu tuyên bố của IS được kiểm tra và xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên nhóm chiến binh này đánh bom một máy bay chở khách.

Máy bay Airbus-321 rơi ở bán đảo Sinai của Ai Cập. Ảnh: AFP
Máy bay Airbus-321 rơi ở bán đảo Sinai của Ai Cập. Ảnh: AFP

Anh và Ireland hiện tạm ngừng các chuyến bay đến khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh, bên Biển Đỏ của Ai Cập, và các chuyến bay khởi hành từ khu vực này. Cuộc họp nội các khẩn cấp của Anh đã được tiến hành vào ngày 5-11 để bàn về việc đưa du khách của xứ sở sương mù từ Sharm el-Sheikh về nước. Theo Ngoại trưởng Anh Philip Hammond, London, các hãng hàng không và các nhà chức trách Ai Cập đang thực hiện “các giải pháp khẩn cấp ngắn hạn” để giám sát mọi việc diễn ra trên các máy bay và bảo đảm du khách Anh có thể trở về an toàn. Các chuyến bay tạm ngừng sẽ được nối lại từ hôm nay (6-11). Ước tính có khoảng 20.000 công dân Anh đang có mặt tại Sharm el-Sheikh.

Về phía Nga, cơ quan hàng không nước này vẫn đang tích cực xem xét nguyên nhân vụ việc. Hai kịch bản được đặt ra: một là có vật gì đó được đặt bên trong máy bay, hai là lỗi kỹ thuật. “Một tên lửa tấn công là điều không thể bởi không có dấu hiệu này”, một quan chức Nga khẳng định.

Theo Reuters, nếu có bằng chứng về việc máy bay bị cài bom thì sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành du lịch của Ai Cập, vốn là trụ cột của một nền kinh tế đang phục hồi sau nhiều năm khủng hoảng chính trị. Hơn nữa, điều này sẽ đi ngược lại với tuyên bố của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi rằng, Cairo đã kiểm soát được lực lượng nổi dậy Sinai Province - một chi nhánh của IS.

Kể từ khi ông Sisi lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Mursi vào năm 2013, sự trỗi dậy của Sinai Province đã làm hàng trăm binh sĩ và cảnh sát Ai Cập thiệt mạng. Khi được bầu làm Tổng thống vào năm ngoái, ông Sisi cam kết sẽ mang lại sự ổn định và phục hồi kinh tế của đất nước. Ông cũng gọi các chiến binh Hồi giáo là mối đe dọa hiện hữu đối với thế giới Arab và phương Tây. Song, giới phân tích cho rằng, việc ông Sisi trấn áp Hồi giáo sẽ chỉ tạo ra sự cực đoan hơn ở Ai Cập.

THIÊN BÌNH

.