Quốc tế

ASEAN lại không ra tuyên bố chung

08:11, 05/11/2015 (GMT+7)

Một lần nữa cuộc họp cấp cao của ASEAN không ra tuyên bố chung do bất đồng về vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói rằng, điều quan trọng là vấn đề Biển Đông vẫn chiếm lĩnh chủ yếu nội dung nghị sự.

Các Bộ trưởng ADMM+ thảo luận về giải pháp đối phó với các vấn đề nóng của khu vực và thế giới như: an toàn, an ninh hàng hải, hàng không, chống khủng bố, an ninh mạng.		                 Ảnh: TTXVN
Các Bộ trưởng ADMM+ thảo luận về giải pháp đối phó với các vấn đề nóng của khu vực và thế giới như: an toàn, an ninh hàng hải, hàng không, chống khủng bố, an ninh mạng. Ảnh: TTXVN

Đây không phải là lần đầu tiên một hội nghị của ASEAN bế tắc vì không có tuyên bố chung. Tháng 7-2012, hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra ở Campuchia rơi vào trường hợp tương tự, cũng vì sự không thống nhất trong vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc đã vận động hành lang?

Ngày 4-11, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 đối tác (ADMM+) tại Kuala Lumpur (Malaysia) hủy kế hoạch ra tuyên bố chung do Trung Quốc kiên quyết phản đối việc đưa quan ngại về vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung. Hãng AP cho rằng, nguyên nhân do sự không thống nhất giữa các nước châu Á trong việc đề cập hay không đề cập vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, Trung Quốc đã vận động hành lang để ngăn tuyên bố chung nói đến Biển Đông và kết quả là kế hoạch ra tuyên bố chung đã bị hủy. “Trung Quốc nói, họ không chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài và không muốn đề cập vấn đề Biển Đông… Nhưng nhiều quốc gia ASEAN không chấp nhận quan điểm này. Điều đó cho thấy, hành vi xây đảo và quân sự hóa Biển Đông do Trung Quốc thực hiện đã gây chia rẽ lớn trong khu vực”, quan chức này nói.

Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein xác nhận việc không có tuyên bố chung. Song, cả nước chủ nhà Malaysia lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đều xoa dịu sự thất bại này của ASEAN. Bộ trưởng Carter nói rằng, ông đã không hề kỳ vọng đạt được thỏa thuận nhưng điều quan trọng là Biển Đông vẫn chiếm lĩnh chủ yếu nội dung nghị sự tại Kuala Lumpur. Vị quan chức đến từ bên kia bờ đại dương cũng nhấn mạnh, sự không thống nhất của các Bộ trưởng ASEAN phản ánh quan ngại của họ về hoạt động của Trung Quốc ở khu vực.

Tàu USS Theodore Roosevelt sẽ ra Biển Đông

Theo AP, Bộ trưởng Carter bảo vệ việc Mỹ đưa tàu chiến tuần tra tại khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép. Ông chủ Lầu Năm Góc cho rằng, Mỹ vẫn đưa tàu ra Biển Đông trong nhiều thập niên qua vì sự thịnh vượng kinh tế và bảo đảm an ninh khu vực. Ông Carter và người đồng cấp Malaysia Hishammuddin sẽ tham gia hành trình trên con tàu USS Theodore Roosevelt vào ngày 5-11.

Chưa rõ lộ trình cụ thể của tàu chiến này nhưng chắc chắn nó sẽ tuần tra trên Biển Đông. “Sự hiện diện của con tàu và chuyến đi của chúng tôi là biểu tượng của cam kết về sự cân bằng và tầm quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương đối với Mỹ”, ông Carter nói. Mỹ không phải là thành viên ASEAN nhưng tham dự ADMM+ tại Kuala Lumpur với tư cách là đối tác được mời. Phía Mỹ cho rằng, thà không có tuyên bố chung còn hơn bản một tuyên bố chung không đề cập vấn đề Biển Đông.

Ngoài Mỹ, 7 đối tác khác của ASEAN có mặt tại hội nghị, bao gồm: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Nga. Trung Quốc vốn phản đối điều mà nước này gọi là “sự can thiệp bên ngoài vào vấn đề tranh chấp” trên Biển Đông.

Thực tế, Mỹ cũng khẳng định không tuyên bố chủ quyền ở khu vực này nhưng Washington và các đồng minh như Philippines đang cảnh giác trước những hành động của Trung Quốc, trong đó có việc Bắc Kinh bồi lấp đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã nói với người đồng cấp Mỹ rằng, nhân dân và quân đội của cường quốc châu Á này sẽ không để “bất kỳ sự xâm phạm nào về chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc” (!?). Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh: Một số nước không thuộc ASEAN phải chịu trách nhiệm về việc không đạt được tuyên bố chung (!?).

PHÚC NGUYÊN

.