Quốc tế

Ước vọng hòa bình

12:13, 16/11/2015 (GMT+7)

Cả thế giới dường như nín thở để hướng về nước Pháp với sự sẻ chia khi máu của bao nhiêu người dân đã đổ xuống vì bóng ma của khủng bố. Trái tim Paris đang nức nở…

Người nghệ sĩ này đã chơi bản Imagine của John Lennon với thông điệp hòa bình.  Ảnh: AFP
Người nghệ sĩ này đã chơi bản Imagine của John Lennon với thông điệp hòa bình. Ảnh: AFP

Ngày 15-11, Paris - cái nôi của nền văn minh châu Âu - dần trở lại với các hoạt động thường nhật nhưng người dân vẫn chưa hết bàng hoàng. Tháp Eiffel, biểu tượng nổi tiếng nhất của thành phố Paris, vẫn đóng cửa… Trong nước mắt và cả sự bàng hoàng, người dân Paris cùng nhau thắp nến, đặt hoa để tưởng niệm những người xấu số, đồng thời gửi thông điệp về ước vọng hòa bình.   

Tại Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg nói rằng, vụ việc không chỉ là cuộc tấn công nhằm vào người dân vô tội ở Paris mà còn nhằm vào giá trị cốt lõi về tự do và dân chủ của châu Âu. Song, ông Stoltenberg khẳng định đó không phải là cuộc chiến giữa thế giới Hồi giáo với thế giới phương Tây, mà là cuộc chiến giữa những kẻ cực đoan, tội phạm với những người tin vào các giá trị nền tảng của tự do và tôn trọng quyền con người.

Có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đêm 13-11 là cuộc tấn công nhằm vào “thế giới văn minh”. Ông cam kết Mỹ sẽ sát cánh với Pháp để truy lùng những kẻ tấn công và nỗ lực gấp đôi để loại bỏ mạng lưới IS.

Vì sao lại là nước Pháp? Vì sao tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố Pháp và những nước ủng hộ Paris là mục tiêu hàng đầu của lực lượng này? Vì Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu chống IS ở Iraq vào tháng 9-2014 và một năm sau đó thì mở rộng chiến dịch ra Syria; vì Pháp có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất châu Âu (4,7 triệu người, chiếm 7,5% dân số) nhưng đang chống lại các phần tử thánh chiến trên khắp thế giới; vì các nhà chức trách không kiểm soát được những phần tử theo hướng cực đoan, trong đó có các chiến binh thánh chiến người Pháp trở về nước sau khi tham gia IS… Hàng loạt nguyên nhân được đề cập, nhưng dường như nguyên nhân sâu xa được cho là do khủng hoảng kinh tế, sự chia rẽ trong xã hội và việc thắt chặt chính sách nhập cư, từ đó các tư tưởng Hồi giáo cực đoan xâm nhập dễ dàng từ Trung Đông vào Pháp.

Pháp, Mỹ và phương Tây có thể sẽ có những phản ứng mạnh mẽ để đáp trả IS. Song, trong lúc này, nước Pháp cần sự sẻ chia dù các nhà lãnh đạo khẳng định Paris không gục ngã. Một trong những video và thông điệp được lan tỏa nhiều nhất trên các trang mạng xã hội có lẽ là tiếng dương cầm thánh thót giữa khung cảnh chết chóc trước Nhà hát Bataclan, với bản Imagine của John Lennon sáng tác năm 1971.

Hãy tưởng tượng không có thiên đàng hay địa ngục nào cả/ Phía trên chúng ta chỉ có một bầu trời/ Hãy tưởng tượng tất cả mọi người đều đang sống vì ngày hôm nay...

Hãy tưởng tượng không có ranh giới quốc gia, không giết chóc và không có tôn giáo nào/ Hãy tưởng tượng tất cả mọi người được chung sống trong hòa bình.

Tất cả mọi người được chung sống trong hòa bình là điều mỗi người đều mong muốn, để Paris và thế giới này không còn đau buồn và ám ảnh vì khủng bố, vì sự giết chóc...

BÌNH YÊN

.