Quốc tế

Châu Âu đón năm mới trong ảm đạm

08:54, 31/12/2015 (GMT+7)

Đối với châu Âu, năm 2015 là năm đầy những ám ảnh. Và nếu nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), năm 2016 sẽ càng tồi tệ hơn.

An ninh được thắt chặt trên đường phố Brussels (Bỉ).  		   Ảnh: AP
An ninh được thắt chặt trên đường phố Brussels (Bỉ). Ảnh: AP

Hãng Reuters cho rằng, hàng loạt khủng hoảng trong năm 2015 đe dọa EU sẽ “tan đàn xẻ nghé” và khiến liên minh gồm 28 nước này đối mặt với những rào cản mới. Cụ thể, khủng hoảng về chính trị và kinh tế xung quanh dòng người di cư đổ về châu Âu, nợ công của Hy Lạp, bạo lực do các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra, chiến dịch không kích của Nga ở Syria dẫn đến việc nhiều nước thắt chặt kiểm soát biên giới, sự trỗi dậy của lực lượng chính trị chống EU và sự không đồng thuận trong các chính phủ của liên minh này.

“Chúng ta có thể làm được”

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng, khu vực mở cửa biên giới Schengen của EU đang có nguy cơ tan rã và nếu các biên giới của khối bị đóng cửa thì đồng euro cũng không thể tồn tại. Tại hội nghị thượng đỉnh EU lần thứ 12 trong năm 2015, ông Juncker từng nói: “Khủng hoảng vẫn sẽ vẫn còn và những điều tồi tệ khác sẽ đến”.

Cũng theo Reuters, nhận định của người đứng đầu Ủy ban châu Âu được cho là “thách thức” đối với quan điểm của Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng “Chúng ta có thể làm được”. Nhà lãnh đạo Đức đã thực hiện chính sách mở cửa đón nhận hàng trăm ngàn người di cư, hầu hết là người tị nạn Syria. Những người tị nạn gọi bà là “Mama Merkel. Tạp chí Spiegel của Đức còn đăng ảnh bà và mô tả là “Mẹ Teresa”.

Song, cuộc khủng hoảng tị nạn liên quan nhiều quốc gia và châu lục nên việc giải quyết vấn đề này không đơn giản. Sự “rộng rãi” của Thủ tướng Merkel ít nhận được “cái gật đầu” từ các đối tác thuộc EU, bởi bà đang yêu cầu các quốc gia khác chia sẻ gánh nặng người tị nạn.

Hầu hết các nước khẳng định ưu tiên phải là việc đóng cửa biên giới bên ngoài châu Âu hơn là mỗi nước chào đón quá đông người tị nạn. Trong khi đó, Berlin lại tuyên bố không áp đặt mức trần tiếp nhận người di cư.

Có nhiều lý do để Thủ tướng Merkel đóng vai trò tiên phong thực hiện chính sách mở cửa và tiếp nhận người tị nạn: thể hiện sự can dự tích cực của những nước lớn đối với các vấn đề của thế giới; giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ở Đức trong bối cảnh dân số ngày càng già hóa; Berlin muốn thoát khỏi những ám ảnh của quá khứ khi chế độ Đức quốc xã tiến hành cuộc diệt chủng tàn bạo người Do Thái...

Áp lực với các nhà lãnh đạo

Hãng Reuters cho rằng, một vấn đề tồi tệ trong năm 2016 là các nhà lãnh đạo chính của EU sẽ yếu thế về mặt chính trị và phải đối mặt với những thách thức từ bên trong quốc gia của họ. Vì vậy, họ không thể có hành động chung cần thiết trong khối.

Năm 2015 đánh dấu những khó khăn đối với Tổng thống Pháp Francois Hollande khi Paris trải qua hàng loạt vụ tấn công vào đêm 13-11 vừa qua, cả những vụ tấn công nhằm vào tạp chí biếm họa Charlie Hebdo và siêu thị Do Thái hồi tháng 1 đã gây sốc cho cả châu Âu. “Lục địa già” lo ngại trước mối đe dọa từ IS và sự thất bại của cảnh sát cũng như sự hợp tác tình báo. Không những thế, ảnh hưởng của Pháp ở châu Âu cũng giảm do sự suy yếu về kinh tế.

Đối với Anh, nền kinh tế lớn thứ hai của châu Âu, Thủ tướng David Cameron đang lo lắng về cuộc trưng cầu dân ý để quyết định quốc gia này ra đi hay ở lại EU. Song, cuộc trưng cầu dân ý sẽ đặt cả khối vào tình huống xấu khi người dân Anh hoài nghi về các giá trị của châu Âu, nhất là khi họ chứng kiến dòng người nhập cư ùn ùn đổ về lục địa này, mà các nhà lãnh đạo không tìm được tiếng nói chung. Nếu nước Anh bỏ phiếu rời EU thì sẽ tạo “hiệu ứng domino” cho các nước khác, bởi nước nào cũng muốn nhiều điều kiện có lợi hơn cho mình.

Một thách thức không nhỏ nữa là vấn đề an ninh. Khắp châu Âu đón năm mới 2016 trong tình trạng an ninh được thắt chặt, nhất là ở các thủ đô. Bỉ tiến hành hàng loạt biện pháp chống khủng bố, trong đó có việc thu hồi thẻ căn cước của những đối tượng tình nghi có ý tham chiến trong đội ngũ IS ở Syria.

Đường phố Berlin của Đức hay Paris của Pháp cũng được tăng cường an ninh. Cảnh sát Đức khẳng định sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn nguy cơ xảy ra khủng bố trong dịp năm mới.

PHÚC NGUYÊN

.