Quốc tế

Đảng cực hữu Pháp trỗi dậy

08:28, 09/12/2015 (GMT+7)

Chiến thắng của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) trong cuộc bầu cử vùng vòng 1 đang làm rung chuyển nước Pháp, khi đảng này dẫn đầu 6/13 vùng với gần 28% số phiếu ủng hộ.

Bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, tại cuộc họp báo ở Lille.  							     Ảnh: Reuters
Bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, tại cuộc họp báo ở Lille. Ảnh: Reuters

Chủ tịch đảng FN Marie Le Pen dẫn đầu danh sách các ứng cử viên tại vùng Nord-Pas-de-Calais-Picardie (đông bắc nước Pháp) với 41% số phiếu. Cháu gái của bà, ứng cử viên Marion Maréchal Le Pen, đứng đầu ở miền nam.

Xoay chiều sau 13 năm

Năm 2002, khi Chủ tịch đảng FN Jean-Marie Le Pen bước vào vòng bầu cử tổng thống thứ hai, nhiều cử tri và các đảng phái lớn đã “bắt tay” nhau để cản bước đường chính trị của ông. Nhưng nay, sau 13 năm, mọi sự đã thay đổi.

Theo Reuters, con gái ông Jean-Marie Le Pen, bà Marine Le Pen, với quan điểm chống nhập cư và bài châu Âu, đang hướng tới mục tiêu trở thành tổng thống nước Pháp vào năm 2017.

Lần này, những người thuộc đảng Xã hội và đảng Cộng hòa không nhất trí với nhau phương thức kìm hãm bước tiến của đảng FN. Thực tế, ngay cả khi lãnh đạo hai đảng này tìm được sự đồng thuận, các kết quả thăm dò dư luận cũng cho thấy, nhiều cử tri ủng hộ họ không còn muốn có một liên minh như vậy nữa.

Bà Marine Le Pen ứng cử tại vùng Nord-Pas-de-Calais-Picardie, trong khi cháu gái Marion Marechal-Le Pen của bà ứng cử tại tỉnh Provence-Alpes-Cote d’Azur ở miền nam. Sau khi giành tới 40,5% phiếu bầu, bà Marion Maréchal-Le Pen nói: “Hệ thống chính trị cũ đã chết trong đêm nay”. Rất có thể tuyên bố này đã đúng.

Năm 2002, hàng trăm ngàn người đã đổ ra đường biểu tình vì họ không muốn đảng cực hữu của ông Le Pen cầm quyền. Sau đó, đảng này thất thế trong cuộc bầu cử vòng hai vì những người ủng hộ đảng cánh tả đã bỏ phiếu cho đảng trung hữu của Tổng thống Jacques Chirac.

Trước đợt bầu cử khu vực vòng 2 năm nay vào ngày 13-12 tới, chưa thấy dấu hiệu bất kỳ cuộc biểu tình nào tương tự được lên kế hoạch nhằm chống lại đảng cựu hữu.

Thực tế này, theo Reuters, được củng cố thêm bởi nỗi sợ hãi trong dư luận sau các vụ tấn công khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) làm 130 người thiệt mạng tại Paris hồi tháng trước cùng tình trạng thất nghiệp cũng như số người nhập cư đang ở mức kỷ lục hiện nay ở Pháp.

Giám đốc Công ty khảo sát dư luận Viavoice, Francois Miquet-Marty, phân tích: “Không thể so sánh thực tế hiện nay với năm 2002. Đảng FN không còn làm mọi người sợ nữa, các cử tri đảng Xã hội miễn cưỡng hơn trong việc bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa bảo thủ của ông Nicolas Sarkozy và mọi người đã sẵn sàng chấp nhận hơn với đảng FN”.

Đối mặt với nguy cơ đảng FN có thể giành chiến thắng tại một hay nhiều khu vực của nước Pháp trong cuộc bầu cử khu vực vòng hai vào ngày 13-12 tới và sử dụng kết quả đó làm nền tảng cho đợt bầu cử tổng thống năm 2017, Tổng thống Francois Hollande của đảng Xã hội và người tiền nhiệm của ông là Tổng thống Nicolas Sarkozy lại có những quyết định hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Song thực tế, hai ông đang thể hiện sự chia rẽ ngay trong nội bộ đảng của mình.

Trung thành với truyền thống của các đảng phái lớn tại Pháp trong vài thập niên là bằng mọi giá không để đảng cực hữu nắm quyền, đảng Xã hội đã rút khỏi ít nhất 2 khu vực và kêu gọi cử tri bầu cho các ứng cử viên thuộc đảng Cộng hòa của ông Sarkozy tại đó để tránh một số vùng rơi vào tay FN.

Tuy nhiên, ông Sarkozy và hầu hết những người đứng đầu trong đảng ông không chấp nhận động thái này. Họ cho rằng, đó là hành vi thiếu dân chủ và có thể sẽ còn phản tác dụng. 4 năm trước, ông Sarkozy lần đầu tiên đã không tuân thủ truyền thống nói trên và đảng của ông khẳng định không thay đổi quan điểm đó.

Chiến thắng không ngẫu nhiên

Sau khi đảng Cộng hòa từ chối liên minh với đảng Xã hội, ông Alain Juppe, Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Sarkozy, cho rằng ngay cả khi đảng Cộng hòa quyết định rút khỏi một số khu vực để ủng hộ đảng Xã hội, đảng FN vẫn có thể giành chiến thắng.

Một dấu hiệu khác cũng cho thấy, các đảng phái chính đang mâu thuẫn trong nội bộ về chiến lược kiềm chế sự trỗi dậy của đảng cực hữu khi ứng cử viên của đảng Xã hội ở khu vực đông bắc từ chối rút lui trong đợt bầu cử khu vực vòng hai. Tất nhiên cũng không có sự bảo đảm nào cho thấy cả hai đảng Xã hội và Cộng hòa sẽ hưởng lợi từ chiến lược của họ.

Ngoài ra, còn một sự khác biệt nữa so với năm 2002 là vào thời điểm ấy, ông Jean-Marie Le Pen hoàn toàn không hy vọng đi tiếp trong đợt bầu cử khu vực vòng hai.

Nhưng câu chuyện có một kịch bản hoàn toàn ngược lại với bối cảnh năm 2015 và hành trình đi tới cuộc bầu cử khu vực vòng hai của con gái ông, Chủ tịch hiện nay của đảng FN. Đó là lý do vì sao việc đương đầu với sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của bà Marine đang trở thành “cơn đau đầu” với các đảng phái lớn ở Pháp.

Chuyên gia phân tích chính trị Jean-Daniel Levy nói về kết quả cuộc bầu cử vòng 1 ở khu vực: “Những gì xảy ra ngày 6-12 không ngẫu nhiên, đó là một xu hướng đã tồn tại từ lâu rồi”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.