Quốc tế

Giá dầu rơi xuống kỷ lục mới, OPEC mất kiểm soát?

08:25, 11/12/2015 (GMT+7)

Giá dầu thế giới lại tiếp tục đà lao dốc, giá dầu thô ở Mỹ rơi xuống mức kỷ lục thấp nhất trong gần 7 năm qua sau khi OPEC quyết định không cắt giảm sản lượng.

Đài DW của Đức cho biết, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2009, giá dầu thô ở Mỹ chỉ còn dưới mức 37 USD/thùng vào ngày 8-12 vừa qua, tức giảm hơn 1 USD/thùng so với các phiên giao dịch trước đó.

Chuyên gia phân tích Fawad Razaqzada của hãng Gain Capital nhận định: “Nếu giá dầu Brent giữ ở mức dưới 40 USD/thùng, đây sẽ là tác động lớn về mặt tâm lý khác nữa với các khách hàng và có thể tiếp tục đẩy giá dầu tiếp tục đi xuống thêm”.

Những phản ứng mạnh mẽ từ thị trường xuất hiện sau khi Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC trong cuộc họp tuần qua tại Vienna (Áo) không thể thống nhất mức trần đối với sản lượng dầu cung cấp ra thị trường.

Chưa kể các thành viên như Iran và Iraq còn cảnh báo, họ sẽ tăng sản lượng cũng như xuất khẩu dầu trong năm 2016.

Trong một diễn biến liên quan, sau khi các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran được gỡ bỏ, quốc gia này đã có kế hoạch tăng cường xuất khẩu dầu mỏ sang các nước, trong đó có CHDCND Triều Tiên. Nhờ mối quan hệ lịch sử giữa Tehran và Bình Nhưỡng, cả hai nước đều sẵn sàng ủng hộ việc nối lại quá trình giao thương dầu mỏ. Theo một số chuyên gia phân tích, quá trình này có thể diễn ra trong cả những cuộc thương lượng trao đổi dầu mỏ lấy vũ khí giữa hai bên.

Thực tế, việc 13 quốc gia thành viên OPEC không chịu cắt giảm sản lượng dầu mỏ, cộng thêm tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc khiến quốc gia này giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đã khiến giá dầu thô liên tục lao dốc, mất tới hơn 60% giá trong 18 tháng qua từ các mức giá ban đầu hơn 100 USD/thùng.

Nếu giá dầu Brent rơi xuống mức dưới 36 USD/thùng, mức giá này sẽ đánh dấu mức giá thấp nhất của dầu Brent biển Bắc từ năm 2004 tới nay.

Theo các ngân hàng lớn như Goldman Sachs, viễn cảnh đó đang ngày càng trở nên sáng rõ hơn khi các kho chứa dầu trên thế giới đang tiệm cận mức quá tải. Một số dự đoán còn cho rằng, thế giới đang sắp hết chỗ chứa dầu.

Trong lúc này, các thị trường cũng đang ngóng chờ thông tin phía Mỹ công bố về dữ liệu lưu trữ dầu thô thương mại của quốc gia này. Thông tin đó sẽ giúp các bên liên quan đo lường được nhu cầu dầu mỏ của quốc gia tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới.

Không ngạc nhiên khi Reuters đưa ra các thông tin phân tích ngày 9-12 cho rằng, nguy cơ tài chính lớn nhất toàn cầu năm 2016 có lẽ chính là vấn đề dầu mỏ. Một kịch bản dường như không còn quá ảo tưởng hay xa vời nữa là việc giá dầu giảm còn 20 USD/thùng.

Các thị trường tài chính đã và đang hứng chịu những hệ lụy kể từ giữa năm 2014 đến nay khi giá dầu lao dốc. Hơn 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường đã “bốc hơi” khỏi các cổ phiếu dầu mỏ toàn thế giới. Các công ty năng lượng và khai khoáng đã bán gần 2.000 tỷ USD nợ kể từ năm 2010.

Căn cứ thực tiễn của giá dầu hiện tại và những yếu tố liên quan, Reuters cho rằng, không khó để hiểu vì sao các thị trường đã và đang phải viết lại quá nhiều kịch bản đến vậy.

Cùng với việc các nước OPEC sản xuất khoảng 32 triệu thùng dầu mỗi ngày, cao hơn mục tiêu thống nhất của tổ chức là 30 triệu thùng/ngày, và kế hoạch Iran tái gia nhập thị trường xuất khẩu dầu mỏ với sản lượng lớn, dư luận hy vọng OPEC sẽ áp dụng các giải pháp cắt giảm nguồn cung.

Tuy nhiên, trong thông cáo sau hội nghị vừa qua của OPEC, các đại biểu đã hoãn việc đưa ra một đánh giá về sản lượng dầu mỏ của khối trong cuộc họp tới ngày 2-6-2016. Tổng Thư ký OPEC Abdullah el-Badri cho biết, OPEC “đã quyết định trì hoãn quyết định này cho tới cuộc họp của nhóm lần tới, khi đó bức tranh thực tế sẽ rõ ràng hơn để họ có thể thống nhất về một con số”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.