Quốc tế

GIẢI QUYẾT KHỦNG HOẢNG Ở SYRIA

Vẫn còn nhiều khác biệt

08:22, 21/12/2015 (GMT+7)

Dù Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết về tiến trình hòa bình ở Syria, mở ra hy vọng cho một giải pháp chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm qua ở quốc gia Trung Đông này, nhưng giữa các nước liên quan vẫn còn nhiều khác biệt.

Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc biểu quyết về dự thảo nghị quyết về vấn đề Syria.  									     Ảnh: AP
Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc biểu quyết về dự thảo nghị quyết về vấn đề Syria. Ảnh: AP

Lần đầu tiên nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tạo động lực để tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Đó là tín hiệu tốt lành cho cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm. Theo đó, nghị quyết yêu cầu tất cả các bên liên quan đến vấn đề Syria ngừng các cuộc tấn công vào những mục tiêu dân sự, tạo hành lang tiếp cận hỗ trợ nhân đạo.

Nghị quyết xác nhận nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG) gồm 17 thành viên là thể chế chính để giải quyết các vấn đề liên quan đến tiến trình hòa bình tại Syria; thống nhất với kế hoạch hòa bình mà ISSG đã thông qua hồi tháng 11 vừa qua, trong đó có việc ngừng bắn trong 6 tháng và đối thoại để soạn thảo hiến pháp; trao cho Liên Hợp Quốc vai trò lãnh đạo việc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập ở Syria về thỏa thuận ngừng bắn cũng như dự thảo hiến pháp.

Hãng AP cho rằng, trở ngại trong việc kết thúc 5 năm nội chiến ở Syria vẫn chưa được hoàn toàn gỡ bỏ bởi các bên còn chia rẽ trong vấn đề gây tranh cãi nhất: tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thực tế, nghị quyết không đề cập đến vai trò và số phận của nhà lãnh đạo này trong tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ca ngợi sự thống nhất giữa các thành viên Hội đồng Bảo an và gọi nghị quyết là một dấu mốc.

Theo ông, nghị quyết cho người dân Syria một sự lựa chọn, không phải giữa Tổng thống Assad và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS, còn gọi là Daesh), mà là giữa chiến tranh và hòa bình. “Chúng tôi không ảo tưởng về những trở ngại đang tồn tại, nhất là về tương lai của Tổng thống Assad...”, ông Kerry nói. Mỹ và các đồng minh Arab vẫn muốn ông Assad phải từ nhiệm.

Theo nghị quyết, các cuộc đàm phán giữa chính phủ Syria với phe đối lập nên diễn ra từ đầu tháng 1-2016. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đặc sứ Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura cho rằng, bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 1-1-2016 là điều không thể.

Điều đáng nói là sự nhượng bộ giữa Mỹ và Nga để có được nghị quyết tại Hội đồng Bảo an. Hai cường quốc này vốn có những quan điểm khác biệt về những gì diễn ra ở Syria, nơi mà IS đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ.

Tổng thống Assad là đồng minh của Nga nhưng một số nhà quan sát cho rằng, sau cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Lavrov với người đồng cấp Kerry hồi tuần trước, Mátxcơva dường như “xuống giọng” ủng hộ trong việc ủng hộ chính phủ Damascus.

Tuy nhiên, nghị quyết được ban hành là một chuyện, còn việc thực hiện được hay không là vấn đề khác. Theo các nhà phân tích, không dễ thực thi được lệnh ngừng bắn, nhất là khi IS đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ ở Syria.

Còn đối với số phận của Tổng thống Assad, các nhà ngoại giao cho rằng, sẽ khó có sự nhượng bộ nào giữa các nước, hay giữa các nhóm đối lập tham gia đàm phán. Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, đàm phán giữa chính phủ Syria với phe đối lập chỉ thành công nếu ông Assad từ nhiệm.

Lộ trình hòa bình ở Syria đã trải qua 2 vòng đàm phán cấp bộ trưởng trước đó tại Vienna (Áo) nhưng không đạt được sự đồng thuận. Vấn đề chính hiện nay, liên quan đến sự quan ngại của Nga và Iran, là những nhóm nào sẽ đại diện cho phe đối lập tham gia đàm phán.

Song, chắc chắn các nhóm bị xếp vào danh sách khủng bố, bao gồm IS và Mặt trận al-Nusra có liên quan đến Al-Qaeda, sẽ không thể ngồi vào bàn thương thảo.

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an chỉ là một bước tiến nhưng không có gì bảo đảm bước tiến này vững chắc. Dù có những tín hiệu lạc quan nhưng con đường phía trước của Syria sẽ không hề bớt chông gai.

VĨNH AN

.