Quan sát & Bình luận

Sự tức giận vô lối

10:43, 17/12/2015 (GMT+7)

Vấn đề an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu không chỉ với các quốc gia trong khu vực mà cả châu Á - Thái Bình Dương và thế giới đều hết sức lo ngại, nhất là sau khi Trung Quốc bồi lấp các đảo nhân tạo và xây dựng các công trình quân sự trên các đảo này.

Chỉ riêng trong khu vực Đông Nam Á, không chỉ Việt Nam, Philippines lên tiếng cực lực phản đối mà Malaysia, Indonesia, Singapore cũng bày tỏ quan ngại về mưu toan của Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam và có nguy cơ dẫn tới các cuộc xung đột vũ trang làm mất an toàn tuyến vận tải quan trọng này.

Đặc biệt, gần đây, Mỹ, Úc đã phản đối và có những biện pháp đáp trả như đưa các tàu chiến, máy bay trinh sát để tuần tra ở khu vực Biển Đông. Gần đây nhất là Singapore chấp thuận cho Mỹ sử dụng căn cứ để đưa máy bay P-8 Poseidon tuần thám Biển Đông.

Một sự kiện khác làm Bắc Kinh tức tối là nhân dịp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công du New Delhi từ ngày 11 đến 13-12, nhà lãnh đạo này và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chính thức nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu giữa hai nước lên vị thế mới với sự tăng cường, mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Hai bên cũng cam kết nỗ lực thúc đẩy hình thành một trật tự khu vực hòa bình, cởi mở, công bằng và ổn định, dựa trên luật pháp quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; xa hơn nữa là khẳng định tuân thủ các nguyên tắc nền tảng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không. Đây là lần thứ tư Thủ tướng Abe gặp Thủ tướng Modi trong vòng gần một tháng qua.

Bên cạnh đó, hai Thủ tướng còn nhấn mạnh việc bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông. Theo nhật báo Ấn Độ Times of India ngày 12-12, Tuyên bố chung Ấn Độ - Nhật Bản đã kêu gọi các bên tranh chấp tự kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể đe dọa hòa bình trong khu vực Biển Đông.

Đáng chú ý, Tuyên bố chung Ấn Độ - Nhật Bản đã dành một đoạn để nói về Biển Đông, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các tuyến hàng hải và xác nhận rằng, Thủ tướng hai nước đã “quyết định tổ chức những cuộc tham khảo ý kiến lẫn nhau một cách chặt chẽ và thường xuyên về các vấn đề liên quan đến an toàn và an ninh của các tuyến giao thông hàng hải”.

Ấn Độ và Nhật Bản đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm ký kết bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận, góp phần duy trì, bảo đảm hòa bình, ổn định của khu vực.

Mối quan tâm cũng như thái độ đó của Ấn Độ và Nhật Bản một lần nữa cho thấy, các nước láng giềng của Trung Quốc nói riêng, cộng đồng quốc tế nói chung đều hết sức lo ngại về những hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong việc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và có các hành động phi pháp tại các vùng đảo mà họ cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Phản ứng tức giận trước Tuyên bố chung nói trên, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng: “Các nước ngoài khu vực nên tôn trọng các nỗ lực của các nước trong vùng nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, thay vì làm ngược lại”. Ông Hồng Lỗi còn ngang nhiên khẳng định: Các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông hoàn toàn hợp lý và hợp pháp vì chỉ diễn ra trong vùng lãnh thổ của Trung Quốc, và “không nhắm vào bất cứ quốc gia nào, cũng như không hề cản trở quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông” (!?).

Sự biện bạch và tức gận vô lối đó của Trung Quốc không đánh lừa được dư luận, mà càng làm các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó những hành động nguy hiểm của Bắc Kinh để bảo vệ an ninh và an toàn tuyến vận tải hàng hải, hàng không quan trọng của thế giới đi qua khu vực Biển Đông.

TUYẾT MINH

.