Quốc tế

HỘI NGHỊ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU PARIS (COP21)

Chờ những quyết sách đúng đắn

07:41, 01/12/2015 (GMT+7)

Kéo dài trong 10 ngày, từ ngày 30-11, Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) đã khai mạc tại thủ đô Paris (Pháp) với sự có mặt của 40.000 đại biểu, để thảo luận và đưa ra quyết sách nhằm ngăn chặn sự nóng lên của trái đất.

Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát khi xuống đường phố Paris (Pháp) chống lại sự ấm nóng của toàn cầu. 				 	                  Ảnh: AFP
Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát khi xuống đường phố Paris (Pháp) chống lại sự ấm nóng của toàn cầu. Ảnh: AFP

Câu chuyện trái đất nóng lên được khởi đầu vào năm 1988, khi Mỹ đối mặt với đợt nắng hạn chưa từng có.

Lúc bấy giờ, đại diện của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) lên tiếng thừa nhận rằng, khả năng 99% trái đất đang bắt đầu bị hâm nóng do khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phát ra từ các hoạt động của con người.

Cũng bắt đầu từ năm 1988 - năm đầu tiên các cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) yêu cầu LHQ lập ra GIEC - nhóm liên chính phủ về biến đổi khí hậu, để nghiên cứu và tìm giải pháp khắc phục sự nóng lên của trái đất.

Việc thành lập nhóm GIEC cho thấy các cường quốc muốn quốc tế hóa vấn đề này. Bản báo cáo đầu tiên của GIEC ra đời 2 năm sau đó khẳng định quan điểm nước đôi: “Việc trái đất bị hâm nóng là điều có thể dự kiến được, nhưng chưa xác định một cách chắc chắn” (!?).

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, không phải lần đầu tiên vấn đề trái đất nóng lên do các hoạt động của con người được cảnh báo.

Nhiều nhà khoa học đã báo động với giới chính trị gia ngay từ những năm 1950-1960 qua nhiều bằng chứng. Người được xem đã thông báo hiểm họa này đầu tiên trước Quốc hội Mỹ là nhà đại dương học Roger Revelle, vào năm 1956.

Nhà xã hội học Stefan Aykut, đồng tác giả cuốn sách Liệu có thể quản trị được khí hậu?, đã đề cập hàng loạt cảnh báo trong những năm 1960-1970, với các bằng chứng khoa học được tập hợp ngày càng nhiều hơn về sự nóng lên của trái đất.

Thế nhưng, những nỗ lực để tìm đến sự nhận thức chung về hiện tượng trái đất nóng lên và tìm các biện pháp giải quyết liên tục bị ngăn chặn dưới nhiều hình thức, kể cả sự biện minh cho tính công bằng giữa các quốc gia có nền công nghiệp phát triển lẫn các quốc gia đang phát triển.

Mãi đến năm 1995, cộng đồng quốc tế mới tổ chức được một hội nghị thượng đỉnh đầu tiên (COP). Và phải mất 3 năm sau, vào năm 1997, thế giới mới đạt được một hiệp ước đầu tiên về khí hậu mang tính cưỡng chế tại Kyoto (Nhật Bản).

Nhưng theo như các nhà quan sát và các nhà khoa học, Hiệp ước Kyoto được đánh giá là “đầu voi, đuôi chuột”, bởi chưa bao giờ các thể thức cưỡng chế những quốc gia có lượng khí thải cao nhất được cụ thể hóa.

Mỹ - nước phát thải lớn nhất lúc đó - đã không phê chuẩn Kyoto, và một loạt quốc gia công nghiệp khác cũng quay lưng với nghị định thư này.

Sự dùng dằng đó đã làm gia tăng mối đe dọa. Theo các nhà khoa học, trong gần 50 năm qua, lượng khí thải do các nước, nhất là các nước đang phát triển, đã gia tăng chóng mặt: năm 2012 tăng gấp 3 lần so với năm 1990, vượt xa khối các nước công nghiệp phát triển (20 tỷ tấn CO2, trong đó riêng Trung Quốc chiếm gần 1/2 - so với 13 tỷ tấn CO2 của khối các nước công nghiệp)...

Trước tình hình trái đất nóng lên nhanh chóng, để tìm một hiệp định mới thay thế Nghị định thư Kyoto, LHQ đã tiến hành hàng loạt hội nghị thượng đỉnh nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Đáng chú ý là Hội nghị thượng đỉnh tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009 đưa ra mục tiêu soạn thảo một thỏa thuận toàn cầu nhưng đã thất bại do sự chia rẽ giữa các nước giàu và nước nghèo.

Song, vấn đề càng trở nên cấp bách, vì theo LHQ, hiện khoảng 170 nước chiếm 90% lượng phát thải toàn cầu, nên đã đặt ra những mục tiêu sau năm 2020 phải hạn chế “mức tăng nhiệt độ toàn cầu tới mức 2,7oC đến cuối thế kỷ này, so với 4,1 - 4,8 độ nếu không có hành động”.

Các nhà quan sát đưa ra cảnh báo, nếu COP21 tại Paris lần này không thông qua được một thỏa thuận cụ thể ngăn chặn nhiệt độ khí quyển tăng hơn 2°C từ nay đến năm 2100 thì trái đất, con người và sinh vật sẽ trả giá đắt. Các hiện tượng đã và đang xảy ra như: băng tan làm nước biển dâng cao, sinh vật hủy diệt, bão tố, hạn hán ngày càng thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.

Vì vậy, LHQ đặt ra mục tiêu của COP21 là hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu trung bình tới mức 20C, có lẽ ít hơn so với mức tiền Cách mạng công nghiệp, bằng cách hạn chế lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch bị cho là gây nên tình trạng biến đổi khí hậu.

Dư luận đang chờ đợi những quyết sách đúng đắn của các nhà lãnh đạo thế giới tại COP21. Trước khi sang Pháp, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, Mỹ đang “giúp xúc tiến” nỗ lực hướng tới cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ông lạc quan “về những gì chúng ta có thể đạt được” tại Paris.

Như ông Obama viết trên Facebook: “Những doanh nghiệp và người lao động của chúng ta đã cho thấy có thể đạt được tiến bộ hướng tới một tương lai carbon thấp, trong khi vẫn tạo ra công ăn việc làm mới và phát triển nền kinh tế”.

Trong khi đó, người dân ở nhiều thủ đô trên thế giới tổ chức những cuộc tuần hành quy mô lớn trước giờ khai mạc COP21, gây áp lực đòi 150 nhà lãnh đạo thế giới đạt thỏa thuận cao nhất về ngăn chặn biến đổi khí hậu, nhằm tránh cho trái đất nạn diệt vong và xem đó là cơ may cuối cùng để giải quyết một vấn đề mang tính toàn cầu bị lảng tránh suốt nửa thế kỷ qua.

TUYẾT MINH

.