Quốc tế

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Bình Nhưỡng dọa đáp trả Mỹ

08:16, 12/01/2016 (GMT+7)

Phản ứng trước việc Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B-52 đến Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên dọa sẽ đáp trả bằng hạt nhân. Trong khi đó, Washington tuyên bố sẽ tiếp tục đưa vũ khí chiến lược đến bán đảo Triều Tiên.

Binh sĩ Hàn Quốc điều khiển thiết bị loa phóng thanh chống Bình Nhưỡng ở Yeoncheon, gần biên giới liên Triều. 	Ảnh: AP
Binh sĩ Hàn Quốc điều khiển thiết bị loa phóng thanh chống Bình Nhưỡng ở Yeoncheon, gần biên giới liên Triều. Ảnh: AP

Báo Rodong Sinmun của CHDCND Triều Tiên ngày 11-1 cho biết, sẽ đáp trả Mỹ bằng hạt nhân đối với việc Washington đưa máy bay ném bom chiến lược B-52 có khả năng mang hạt nhân đến Hàn Quốc để biểu dương sức mạnh và răn đe Bình Nhưỡng.

Theo báo này, CHDCND Triều Tiên gọi việc Mỹ triển khai máy bay ném bom tới Hàn Quốc là động thái “đẩy tình hình tới bờ vực chiến tranh”.

Trước đó, máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay trên bầu trời căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc, cách biên giới liên Triều khoảng 70km về phía nam. Washington khẳng định động thái này thể hiện cam kết bảo vệ Seoul sau khi Bình Nhưỡng thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) gây chấn động hồi tuần trước.

Không những thế, Reuters còn cho hay, Mỹ và đồng minh Hàn Quốc ngày 11-1 bàn thảo về việc đưa thêm vũ khí chiến lược của Washington đến bán đảo Triều Tiên. Theo báo chí Hàn Quốc, Mỹ có thể đưa thêm các máy bay ném bom B-52, tàu ngầm hạt nhân và các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 đến khu vực đang căng thẳng này.

Song, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok không cho biết thêm chi tiết, mà chỉ nhấn mạnh: “Mỹ và Hàn Quốc đang tiếp tục bàn thảo chặt chẽ về việc triển khai thêm các vũ khí chiến lược”.

Trong lúc đó, lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc hiện được đặt vào tình trạng báo động cao nhất để đề phòng những phản ứng từ phía Bình Nhưỡng.

Vụ thử bom H của CHDCND Triều Tiên khiến các quốc gia Đông Bắc Á và các “ông lớn” khác không thể ngồi yên. Ngay sau vụ thử của người láng giềng phía bắc, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đặt lực lượng quân đội ở biên giới trong tình trạng báo động cao nhất. Các tên lửa, đạn pháo cùng những vũ khí khác cũng được di chuyển đến gần biên giới; đồng thời nối lại hoạt động của các loa phóng thanh chống Bình Nhưỡng…

Tuy nhiên, các nhà quan sát lo ngại nguy cơ xung đột quân sự, bởi điều này được cho là không có lợi cho Seoul. Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond thậm chí thúc giục Seoul kiềm chế các loa phóng thanh.

Hàng loạt cuộc hội đàm cũng sẽ diễn ra trong tuần này giữa các cường quốc để bàn giải pháp đối phó với CHDCND Triều Tiên. Hãng Reuters dẫn tuyên bố của Hàn Quốc cho biết, nhà đàm phán hạt nhân của nước này Hwang Joon-kook sẽ gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Sung Kim và người đồng cấp Nhật Bản Kimihiro Ishikane vào ngày 13. Ngày 14-1, ông Hwang Joon-kook sẽ gặp gỡ nhà đàm phán hạt nhân của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ ở thủ đô Bắc Kinh.

Theo Yonhap, các cuộc nhóm họp này sẽ tập trung vào những giải pháp song phương và đa phương, bao gồm nghị quyết “mạnh mẽ và toàn diện” của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tại Bắc Kinh, Hàn Quốc và Nga đang dọn đường cho cuộc gặp gỡ giữa ông Hwang Joon-kook với người đồng cấp Igor Morgulov. Các nước hiện chờ đợi phản ứng của Trung Quốc, đồng minh lớn của CHDCND Triều Tiên, xung quanh vụ thử bom H.

Hiện tại, Trung Quốc chưa có phản ứng mạnh mẽ, ngoài việc kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế sau vụ thử bom H của CHDCND Triều Tiên. Ngày 11-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bày tỏ hy vọng các bên kiềm chế và hành động thận trọng để tránh làm căng thẳng leo thang.

Người phát ngôn này khẳng định: Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với tất cả các bên duy trì liên lạc để đưa vấn đề hạt nhân Triều Tiên trở lại bàn đàm phán 6 bên, vốn rơi vào tình trạng bế tắc từ năm 2008 đến nay.

THIÊN BÌNH

.