Quốc tế

THẾ GIỚI TUẦN QUA

"Cơn bão" tức giận tràn Trung Đông

14:53, 04/01/2016 (GMT+7)

Việc Saudi Arabia hành quyết 47 tù nhân, trong đó có giáo sĩ Shi’ite Nimr al-Nimr, với tội danh khủng bố làm dấy lên làn sóng phản đối trên khắp Trung Đông. Bộ Ngoại giao Iran cảnh báo Saudi Arabia sẽ “trả giá đắt”, còn Riyadh tố Tehran “lộ mặt” ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Khu vực vốn được mệnh danh là “chảo lửa” đang trở nên “nóng bỏng” ngay trong những ngày đầu năm 2016.

Lực lượng an ninh của Iran bảo vệ trước Đại sứ quán Saudi Arabia tại thủ đô Tehran.                                          Ảnh: AP
Lực lượng an ninh của Iran bảo vệ trước Đại sứ quán Saudi Arabia tại thủ đô Tehran. Ảnh: AP

Ngày 3-1, những người biểu tình tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia tại thủ đô Tehran của Iran, dùng bom xăng ném vào cơ sở ngoại giao này. Giới chức đã bắt giữ 40 người. Song, cuộc biểu tình bạo lực ở Tehran chỉ là một phần trong “cơn bão” tức giận, do Saudi Arabia khơi nguồn, bởi các nhà lãnh đạo Shi’ite tại Iran và các nước khác trên khắp Trung Đông lên án Riyadh; đồng thời cảnh báo về nguy cơ chia rẽ giáo phái, cụ thể là giữa người Sunni với người Shi’ite.

Hãng AP cũng cho rằng, việc Saudi Arabia hành hình giáo sĩ Nimr al-Nimr sẽ mở ra một chương mới thù hận trong cuộc đấu tranh quyền lực giữa người Sunni với người Shiite, mà lực lượng đối đầu chủ yếu là giữa Saudi Arabia với Iran.

Hai cường quốc trong khu vực vốn trở lại đối đầu trong các cuộc nội chiến ở Yemen và Syria; ngoài ra, Saudi Arabia còn là nước chỉ trích thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thuộc nhóm P5+1. Theo AP, ngày 3-1, hai nước rơi vào tình trạng “khẩu chiến”.

Saudi Arabia khẳng định việc hành quyết 47 tù nhân, trong đó có giáo sĩ Nimr al-Nimr, là một phần trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Hầu hết trong số 47 tù nhân là người Sunni, bị kết tội liên quan đến các vụ tấn công của Al-Qaeda tại Saudi Arabia cách đây 10 năm. 4 người, trong đó có giáo sĩ Nimr, là người Shi’ite, bị kết tội liên quan đến vụ bắn chết cảnh sát.

Việc hành hình diễn ra ở thủ đô Riyadh, 12 thành phố và thị trấn khác. Trong 47 người có 45 công dân Saudi Arabia, 1 người Chad và 1 người Ai Cập. Nimr (56 tuổi) là nhân vật chủ chốt phía sau các cuộc nổi dậy chống chính phủ trong làn sóng mùa xuân Arab năm 2011 ở đông Saudi Arabia, nơi cộng đồng người Shi’ite thiểu số bất mãn vì bị phân biệt đối xử, cho đến khi bị ông này bị bắt giữ vào năm 2012.

Các chính trị gia Iran tuyên bố Riyadh sẽ phải “trả giá đắt” cho cái chết của giáo sĩ Nimr. Bộ Ngoại giao Iran đã triệu đại sứ Saudi Arabia đến để bày tỏ phản đối. Đại Giáo chủ Ali Khamenei gọi việc hành quyết giáo sĩ Nimr là “sai lầm” của chính phủ Saudi Arabia và cảnh báo về “một cuộc trả thù thần thánh”.

Phía Riyadh cũng triệu đại sứ Iran để phản đối mạnh mẽ về những tuyên bố được cho là mang tính thù địch của Tehran. Riyadh gay gắt cho rằng, Tehran đang “can thiệp trắng trợn” vào công việc nội bộ của quốc gia này.

Không những thế, việc hành hình giáo sĩ Nimr cũng có thể làm phức tạp mối quan hệ giữa Saudi Arabia với chính phủ do người Shi’ite nắm quyền ở Iraq. Đại sứ quán Saudi Arabia tại Baghdad đã mở cửa trở lại lần đầu tiên trong gần 25 năm vào ngày 1-1 vừa qua.

Tuy nhiên, vào ngày 2-1, người dân Iraq kêu gọi Thủ tướng Haidar al-Abadi đóng cửa Đại sứ quán này. Chính ông Abadi cũng sốc trước việc hành hình nói trên.

Trong khi đó, hàng trăm người ủng hộ giáo sĩ Nimr đã biểu tình ở al-Qatif, quê nhà của ông thuộc phía đông Saudi Arabia và cả ở nước láng giềng Bahrain, cũng như ở vùng đất xa xôi như phía bắc Ấn Độ. Thế giới cũng lo ngại trước vụ hành hình.

Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ quan ngại sâu sắc và cảnh báo rằng, vụ việc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby thúc giục các nhà lãnh đạo Trung Đông tăng gấp đôi nỗ lực để giảm căng thẳng leo thang ở khu vực.

Điều đáng nói là việc hành hình các chiến binh Al-Qaeda như thế làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công trả đũa. Tháng 12-2015, chi nhánh của Al-Qaeda tại Yemen, được gọi là Al-Qaeda ở bán đảo Arab, đe dọa tiến hành bạo lực chống lực lượng an ninh Saudi Arabia nếu quốc gia giàu dầu mỏ này hành hình các chiến binh của họ. Và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã giục những người ủng hộ tấn công binh sĩ, cảnh sát của Saudi Arabia. Theo đó, nguy cơ bất ổn ở nước này sẽ rất lớn.

VĨNH AN

.