Quốc tế
Tìm tiếng nói chung về Biển Đông
Ngoài vấn đề thương mại, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là nội dung chính được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ ở Sunnylands, California, diễn ra vào ngày 15 và 16-2 (giờ địa phương).
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ ở Sunnylands, California, được cho là thách thức đối với Tổng thống Barack Obama. Ảnh: AP |
Hãng AP cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ nhằm gia tăng áp lực lên Trung Quốc khi cường quốc châu Á này có những hành vi đáng lo ngại ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Vấn đề này sẽ được bàn thảo chủ yếu vào ngày 16-2.
Theo đó, Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á sẽ tìm kiếm một quan điểm chung về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Theo Reuters, Nhà Trắng cũng hy vọng thông qua hội nghị này sẽ củng cố ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á.
Tuần trước, phát biểu với báo giới, Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes cho biết, ông Obama sẽ gửi thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc rằng, tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết hòa bình.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh nguyên tắc những vấn đề này phải được giải quyết phù hợp với chuẩn mực quốc tế và không có việc các nước lớn bắt nạt các nước nhỏ hơn”, ông Rhodes nói.
Thực tế, Hoa Kỳ không có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng cường quốc từ bên kia đại dương bày tỏ quan ngại trước những động thái ngang nhiên của Trung Quốc như việc bồi đắp đảo nhân tạo trái phép, xây dựng các đường băng cũng như các công trình khác…
Thách thức đặt ra là tất cả các thành viên ASEAN phải thống nhất một tuyên bố chung mạnh mẽ đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đã gây áp lực cho các nước như Campuchia và Lào không ký tuyên bố chung.
Song, tiếng nói từ Tổng thống Obama và thông điệp Hoa Kỳ đứng về phía ASEAN có thể gạt bỏ được những áp lực từ phía Trung Quốc. Theo chuyên gia Earnest Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nếu các nhà lãnh đạo ASEAN thấy Hoa Kỳ đang đầu tư vào ASEAN, điều này sẽ khuyến khích các nước ASEAN cùng ký tuyên bố chung.
Trong những năm gần đây, các tuyên bố chung của ASEAN bày tỏ quan ngại về căng thẳng leo thang trên Biển Đông và kêu gọi tự do hàng hải, tự do hàng không ở vùng biển tranh chấp. Song, rất hiếm khi các tuyên bố này đề cập một cách chi tiết.
Một mục tiêu lớn mà Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ đặt ra là thỏa thuận hai bên có phản ứng chung đối với phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực (PCA) xung quanh việc Philippines kiện Trung Quốc có những đòi hỏi chủ quyền vô lý ở Biển Đông.
Sự ủng hộ, thống nhất của ASEAN và Hoa Kỳ đối với phán quyết có thể gây sức ép lên Trung Quốc. Bắc Kinh vốn từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố không công nhận phán quyết của PCA.
Hãng AP cho rằng, chủ trì hội nghị lần này là thách thức lớn đối với Tổng thống Obama. AP dẫn lời TS Malcolm Cook ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định: Sẽ khó khăn để Hoa Kỳ thuyết phục 10 nước ASEAN có chung tiếng nói về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông đi xa hơn những gì mà ASEAN đã đưa ra trước đây.
TS Tang Siew Mun thuộc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN cho biết, Tổng thống Obama cũng muốn nhận được sự ủng hộ công khai và mạnh mẽ của ASEAN về các hoạt động của nước ông trên Biển Đông. Hơn nữa, hội nghị này là thông điệp khẳng định quan hệ lâu dài giữa Hoa Kỳ với ASEAN.
Năm 2012, tại hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN, Campuchia đã từ chối bàn thảo về tranh chấp lãnh thổ giữa các nước trong khối với Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh tại Campuchia năm đó đã kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung.
PHÚC NGUYÊN