Quốc tế
Bỉ ráo riết truy lùng nghi phạm khủng bố
Cảnh sát Bỉ đang ráo riết truy lùng 2 nghi can có thể còn sống và trốn thoát sau các vụ tấn công ở Brussels. Trong lúc đó, Quảng trường Place de la Bourse tại trung tâm thủ đô tràn ngập nến, hoa và cả nước mắt.
An ninh ở Bỉ vẫn được thắt chặt. Ảnh: AFP |
Ngày 24-3, cảnh sát Bỉ tiến hành hai cuộc truy lùng riêng rẽ để tìm kiếm hai nghi can liên quan các vụ tấn công vừa qua. Một kẻ là Najim Laachraoui (25 tuổi) đang lẩn trốn. Trong camera an ninh tại sân bay Zaventem, Najim mặc áo khoác trắng, đội mũ. Xét nghiệm ADN trên các thiết bị nổ tại hiện trường cho thấy Najim là kẻ chế tạo bom có liên quan đến vụ tấn công tại Paris (Pháp) hồi tháng 11 năm ngoái.
Qua camera an ninh còn thấy một kẻ áo đen bên cạnh Najim nhưng chưa xác định danh tính và có thể đây là kẻ đánh bom ở sân bay. Trong khi đó, Brahim El Bakraoui (29 tuổi), cũng là một trong những kẻ đánh bom sân bay, được cho là đã chết. Cảnh sát đã phát hiện một bức thư tuyệt mệnh trong máy tính xách tay mà Brahim vất lại và dấu vân tay của y tại hiện trường. Em trai Brahim là Khalid El Bakraoui (27 tuổi) thiệt mạng trong vụ đánh bom tại ga tàu điện ngầm Maelbeek.
Song, các nhà điều tra Bỉ cho rằng, vẫn còn nghi can thứ năm là Mohamed Abrini, đang bị truy nã toàn cầu vì liên quan đến vụ khủng bố ở Paris. Như vậy, đến nay có tất cả 5 nghi can trong các vụ tấn công gây chấn động nước Bỉ và cả châu Âu ngày 22-3.
Hãng AFP cho biết, các quan chức an ninh châu Âu đang đối mặt với áp lực khi trước đó, cảnh sát đã biết thông tin về hai anh em Brahim và Khalid. Hơn nữa, Brahim từng bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ ở Gaziantep, gần biên giới Syria và trục xuất hồi tháng 7 năm ngoái.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, chính phủ Bỉ đã thất bại trong việc xâu chuỗi thông tin về việc Brahim có liên quan đến khủng bố và phóng thích y, bất chấp cảnh báo từ phía Ankara. “Bất chấp cảnh báo của chúng tôi rằng, người này là một tay súng khủng bố nước ngoài, các nhà chức trách Bỉ vẫn không thể xác định được mối liên hệ giữa y với khủng bố”, ông Erdogan nói.
Tuy nhiên, chính phủ Bỉ bác bỏ chỉ trích của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Brussels khẳng định Brahim không bị trục xuất về Bỉ, thay vào đó là đến Hà Lan. Song, các quan chức cũng cho biết, không thể bắt giữ các chiến binh bị trục xuất từ Thổ Nhĩ Kỳ nếu không có bằng chứng họ phạm tội. Mặc dù cả Hà Lan lẫn Bỉ đều nhận được thông báo về Brahim nhưng thông tin về việc tại sao y từ Hà Lan sang Bỉ vẫn chưa được tiết lộ.
Nến được thắp lên ở gần sân bay Zaventem để tưởng niệm các nạn nhân. Ảnh: AFP |
Quốc kỳ Bỉ được treo rủ ở Brussels. Hàng ngàn người đã đến Quảng trường Place de la Bourse để thắp nến, đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân vô tội. Những người tham dự các buổi lễ tưởng niệm vẫn còn sự bàng hoàng về những gì đã xảy ra. Những giọt nước mắt lăn dài.
Bên ngoài nhà ga tàu điện ngầm Maalbeek, cách các trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) khoảng vài trăm mét, một ba-nô mang chữ “Vì sao?” bằng tiếng Anh, Pháp và Đức.
Hầu hết hoạt động ở Brussels trở lại bình thường nhưng sân bay vẫn đóng cửa cho đến ngày 26-3. Số người bị thương được xác định là 270 người, trong đó 61 người bị thương nặng.
Tối 24-3, các bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp EU nhóm họp khẩn cấp tại Brussels để tìm giải pháp đối phó mối đe dọa từ lực lượng thánh chiến và bàn về việc áp dụng luật chống khủng bố trên khắp khối gồm 28 quốc gia. Hãng Reuters dẫn lời Thủ tướng Pháp Manuel Valls kêu gọi “phản ứng mạnh mẽ của châu Âu”.
Trong lúc đó, phát biểu với CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói rằng, máu đã đổ ở trái tim thủ đô của EU cho thấy các đồng minh châu Âu của Washington nên nỗ lực hơn nữa để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, bên cạnh nỗ lực của Mỹ ở Trung Đông. Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ, bà Hillary Clinton, chỉ trích sự thiếu hợp tác giữa các nước châu Âu. Theo bà, EU thiếu hệ thống trao đổi dữ liệu hành khách trên các chuyến bay và một trung tâm tình báo để chia sẻ thông tin. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Bỉ vào hôm nay (25-3).
Theo Reuters, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã huấn luyện ít nhất 400 chiến binh và điều những đối tượng này thâm nhập châu Âu để thực hiện các vụ tấn công khủng bố. Mạng lưới các chiến binh, gồm các nhóm nhỏ phối hợp chặt chẽ với nhau, đã đặt chân đến châu Âu dù đang bị thất thế tại Syria.
Lo ngại khủng bố, Ba Lan từ chối tiếp nhận người nhập cư Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo tuyên bố nước này sẽ không tiếp nhận số người nhập cư được phân bổ theo kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) sau khi xảy ra vụ khủng bố ở thủ đô Brussels của Bỉ. Trước đó, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền đồng ý sẽ tiếp nhận khoảng 7.000 người nhập cư. Bà Szydlo nói rằng, việc một số quốc gia EU mở cửa nhận người nhập cư mà không xem xét nguy cơ tiềm ẩn là “sự cẩu thả” và EU đã không rút kinh nghiệm ngay sau các vụ tấn công ở Paris (Pháp). Trong lúc đó, liên quan đến vấn đề người tị nạn, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi ngay lập tức thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya để có thể ngăn chặn nạn buôn người, bởi đây là nguồn nuôi dưỡng IS. Ông Le Drian cho rằng, có tới 800.000 người di cư đang tập trung ở Libya để tìm cách sang châu Âu và đây là điều đáng lo ngại. |
Nghi can khủng bố Salah Abdeslam muốn về Pháp Ngày 24-3, Sven Mary, luật sư của Salah Abdeslam, nghi can trong vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái làm 130 người chết và hơn 350 người khác bị thương cho biết, y muốn được dẫn độ về Pháp “sớm nhất có thể” để đối mặt với những cáo buộc chống lại mình. Theo luật sư Mary, Abdeslam khẳng định không biết gì về các vụ tấn công ở Brussels. Abdeslam bị bắt tại một căn hộ thuộc quận Molenbeek ở Brussels vào tối 18-3 với cáo buộc “khủng bố” và “giết người”. |
PHÚC NGUYÊN