Quốc tế

MH370 mất tích bí ẩn

Cuộc tìm kiếm vô vọng

08:08, 07/03/2016 (GMT+7)

Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia đã trải qua 2 năm. Vụ mất tích đến nay vẫn là điều bí ẩn.

Vụ máy bay MH370 mất tích đến nay vẫn là điều bí ẩn.							          Ảnh: AFP
Vụ máy bay MH370 mất tích đến nay vẫn là điều bí ẩn. Ảnh: AFP

Chiếc máy bay MH370 chở 239 người đã mất tích trên hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 8-3-2014. Từ đó đến nay, khoảng 124,17 triệu USD đã được bỏ ra cho các cuộc tìm kiếm trên phạm vi 120.000 km2 nam Ấn Độ Dương, cùng sự tham gia của nhiều tàu thuyền, máy bay hiện đại, nhưng MH37 vẫn biệt tăm.

Các nhà chức trách chỉ tìm thấy một phần cánh được cho là của máy bay trên đảo Reunion của Pháp hồi tháng 7 năm ngoái. Đây là mảnh vỡ duy nhất được tìm thấy và phát hiện này làm dấy lên hy vọng sẽ tìm thấy phần còn lại của máy bay.

Thời hạn cuối của chiến dịch tìm kiếm được xác định là ngày 30-6 tới. Tuy nhiên, gia đình của các nạn nhân cho rằng, thời gian tìm kiếm cần được kéo dài hơn nữa. Các gia đình nạn nhân đang chuẩn bị kỷ niệm 2 năm thảm kịch MH370 và họ thúc giục cần nỗ lực tập trung vào bờ biển đông nam Phi.

Ngày 6-3, nhiều gia đình và bạn bè của các nạn nhân tập trung tại một trung tâm mua sắm ở Kuala Lumpur, kêu gọi “điều tra lại, đánh giá lại, bắt đầu lại” việc tìm kiếm. Tại một buổi lễ cũng diễn ra vào ngày 6-3 tại Kuala Lumpur, những quả bóng trắng mang tên các nạn nhân và dòng chữ “MH370: Luôn ở trong tim chúng tôi” được thả lên không trung.

Hãng Reuters cho biết, gia đình của 12 nạn nhân (trong đó có 1 hành khách Nga, 1 hành khách Trung Quốc và 8 hành khách Malaysia) đã đệ đơn lên Tòa án tối cao Malaysia để kiện chính phủ, hãng hàng không Malaysia, Tổng Giám đốc Cơ quan hàng không dân dụng và lực lượng không quân Malaysia.

Bà Sangeet Kaur Deo, luật sư của các gia đình Nga, Trung Quốc và Malaysia cho biết, họ đang xác minh những tổn thất không cụ thể do sự tắc trách, vi phạm hợp đồng và vi phạm trách nhiệm theo quy định của luật pháp.

“Tôi nghĩ rằng, nhiều gia đình đang cố gắng thương thuyết về những khoản đền bù nhưng chưa có giải pháp hợp lý nào từ hàng không Malaysia. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi pháp lý, họ quyết định nộp đơn kiện trước ngày 8-3”, bà Sangeet nói với báo giới.

Cũng trong tháng 6 tới, các nước Úc, Malaysia và Trung Quốc sẽ nhóm họp để xác định có nên kéo dài thời gian tìm kiếm hay không. Nếu tìm được máy bay, chính phủ 3 nước này đã thống nhất về kế hoạch trục vớt, trong đó có việc thu thập chứng cứ phục vụ quá trình điều tra. Nhưng nếu không tìm thấy thông tin mới nào ở khu vực tìm kiếm, Úc, Malaysia và Trung Quốc sẽ thống nhất không tiếp tục mở rộng tìm kiếm.

Báo cáo sơ bộ dài 584 trang về sự biến mất đầy bí ẩn của MH370 đã được công bố vào dịp kỷ niệm 1 năm thảm kịch nhưng không xác định nguyên nhân rõ ràng. Cũng vào dịp này năm ngoái, một lần nữa hy vọng dấy lên khi người ta phát hiện những âm thanh “ping” được cho là từ các hộp đen của máy bay phát ra ở gần khu vực vệ tinh Immarsat. Song, những âm thanh này rốt cuộc không liên quan gì đến MH370.

Báo cáo sơ bộ tiếp theo sẽ được công bố vào ngày mai (8-3), đúng 2 năm xảy ra vụ mất tích. Mẹ của Steve Wang, một nạn nhân mất tích nói: “Nhiệm vụ của họ là phải tiếp tục điều tra, vì đến nay không có một tiến triển nào”.

Trong khi đó, trang The Malaysian Insider dẫn lời cựu phi công Úc Byron Bailey cho rằng, các nhà chức trách nước ông đã lãng phí 2 năm khi tìm kiếm sai khu vực.

BÌNH YÊN

.