Quốc tế

Syria sẽ thành "Nhà nước liên bang"?

08:56, 15/03/2016 (GMT+7)

Cuộc đàm phán nhằm kết thúc nội chiến ở Syria bắt đầu diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) vào ngày 14-3. Việc đưa Syria trở thành “Nhà nước liên bang” được cho là giải pháp khả thi nhất để duy trì sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này.

Số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một trong những vấn đề then chốt mà phe đối lập tham gia đàm phán quan tâm. 					Ảnh: AFP
Số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một trong những vấn đề then chốt mà phe đối lập tham gia đàm phán quan tâm. Ảnh: AFP

Ngày 14-3, phát biểu mở đầu vòng đầu tiên của tiến trình đàm phán hòa bình để vạch ra “lộ trình rõ ràng” cho Syria, đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura nói rằng, nước này đang đối mặt với “thời khắc sự thật, thời khắc mà tất cả chúng ta phải có trách nhiệm”. Theo đó, sẽ không có kế hoạch khác thay thế nếu đàm phán đổ vỡ. Theo cách nói của ông Mistura, sẽ không có “kế hoạch B”, ngoại trừ việc trở lại chiến tranh. “Như tôi biết, kế hoạch B chỉ có thể là trở lại chiến tranh”, ông Mistura nói.

Hãng Reuters cho biết, dự kiến vòng đàm phán đầu tiên sẽ kéo dài đến ngày 24-3, tập trung bàn thảo việc thành lập một chính phủ quá độ; sau đó sẽ có vòng đàm phán thứ 2 và 3. Các bên tham gia hòa đàm vẫn đang bất đồng quan điểm xung quanh việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực hay không. Chính phủ Syria không muốn chương trình nghị sự ở Geneva đề cập vấn đề này nhưng phe đối lập muốn giải quyết “rào cản”, tức là muốn ông Assad phải từ bỏ quyền lực để bắt đầu một giai đoạn chuyển tiếp. “Rào cản” lớn nhất chính là số phận của Tổng thống Assad, cuộc bầu cử tổng thống và hình thái của chính phủ.

Tại Geneva, các bên sẽ bàn thảo về hình thái cho Syria trong thời “hậu Assad”. Một giải pháp được đặt ra là một “nhà nước liên bang” cho Syria trong trường hợp bị phân chia. Giới quan sát cho rằng, đây là giải pháp khả thi nhất để duy trì sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong lúc Syria đang bị “chia năm xẻ bảy”.

Theo đó, Syria sẽ có 3 “bang” cho 3 thế lực mạnh nhất hiện nay gồm: khu vực thuộc chính quyền Syria, thuộc phe đối lập và thuộc người Kurd Syria. Song, còn phải tính đến việc phân chia địa bàn hiện do lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng sau khi tổ chức khủng bố này bị xóa sổ.

Chính quyền Syria sẽ tiếp quản thành phố Raqqa - “thủ đô” hiện nay của IS. Phe đối lập tiếp quản phần lớn địa bàn của IS hiện tại. Tuy nhiên, chính phủ Syria và một số nhóm đối lập chưa nhất trí ý tưởng này.
Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) từng nhận định: Cộng đồng quốc tế cần xem xét nghiêm túc ý tưởng phân chia Syria, nhất là khả năng duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này ngày càng thấp.

Tuy nhiên, kế hoạch “nhà nước liên bang” sẽ không dễ thực hiện sau khi cuộc nội chiến đã làm hơn 250.000 người chết và 1 triệu người khác bị thương; 6,5 triệu người mất nhà cửa và 4,8 triệu người tìm cách tị nạn bên ngoài Syria. Hầu hết những người tị nạn chạy đến các nước láng giềng như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Iraq, sau đó kéo đến châu Âu, gây nên làn sóng tị nạn chưa từng có ở lục địa già cỗi này.

Chính phủ Syria và phe đối lập phản đối ý tưởng “liên bang hóa”. Chỉ có lực lượng người Kurd vốn muốn quyền tự trị đồng ý với việc phân chia này.

Hãng AFP dẫn lời giáo sư Khoa học chính trị Bassel Salloukh tại Đại học Lebanon Mỹ ở Beirut cho rằng, cuộc hòa đàm tại Genera là một diễn đàn để các cường quốc can dự vào xung đột. “Mối quan tâm chiến lược của Nga và Mỹ sẽ là xác định hình thái ở Syria hơn là nguyện vọng của người dân nước này”, ông Salloukh nói. Thực tế, Nga và Iran vẫn đang ủng hộ chính phủ Syria bằng việc cung cấp vũ khí và tiến hành các cuộc không kích; trong khi Mỹ, châu Âu và đối thủ của Iran ở khu vực là Saudi Arabia ủng hộ phe đối lập.

Chưa có thống kê chính xác về thiệt hại đối với kinh tế do cuộc chiến tranh gây ra ở Syria. Song, theo báo cáo của nhóm Tầm nhìn Thế giới và nhóm tham vấn Frontier Economics, cuộc xung đột đã khiến Syria mất cơ hội tăng trưởng tương đương thiệt hại 275 tỷ USD. Nếu xung đột kết thúc vào năm 2020 thì con số thiệt hại là 1.300 tỷ USD.

PHÚC NGUYÊN

.