Quốc tế

Hy Lạp trả người tị nạn về Thổ Nhĩ Kỳ

08:17, 05/04/2016 (GMT+7)

Những chuyến tàu bắt đầu đưa người tị nạn từ Hy Lạp trở lại Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận được ký kết trước đó nhằm ngăn chặn dòng người đổ về châu Âu đang vượt quá 1 triệu người.

Những người tị nạn đã đến đảo Lesbos của Hy Lạp thông qua biển Aegean.      Ảnh: AP
Những người tị nạn đã đến đảo Lesbos của Hy Lạp thông qua biển Aegean. Ảnh: AP

Ngày 4-4, các nhà chức trách Hy Lạp đưa 202 người tị nạn trên đảo Lesbos và Chios lên tàu để trở về Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một phần trong kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, bất chấp sự chỉ trích từ những nhà hoạt động nhân quyền. AFP dẫn lời phát ngôn viên Giorgos Kyritsis của một ủy ban khủng hoảng tị nạn thuộc chính phủ Hy Lạp cho biết, 136 người tị nạn bị trục xuất từ đảo Lesbos và 66 người bị trục xuất từ đảo Chios, trong lúc cảnh sát chống bạo động phải đối phó với những người dân địa phương biểu tình phản đối việc trục xuất này.

Khi chuyến tàu đầu tiên cập cảng Dikili của Thổ Nhĩ Kỳ, những người tị nạn được đưa đến những khu lều màu đỏ và trắng để làm các thủ tục đăng ký và kiểm tra sức khỏe. Hầu hết trong số họ là người Pakistan. Nhiều người dân có mặt tại cảng đã mang theo các biểu ngữ với dòng chữ “Chào đón những người tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ là nhà của các bạn”.

Tại Lesbos, ông Giorgos Kosmopoulos, người đứng đầu tổ chức Ân xá quốc tế ở Hy Lạp, thừa nhận ngày đầu tiên thực hiện thỏa thuận là thời điểm khó khăn và đây là “thỏa thuận nguy hiểm”. “Bất chấp những lỗ hổng pháp lý nghiêm trọng và việc thiếu biện pháp bảo vệ phù hợp ở Thổ Nhĩ Kỳ, EU vẫn thúc đẩy thỏa thuận nguy hiểm”. Ông Kosmopoulos còn nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là “một nước thứ ba an toàn cho người tị nạn”.

Hãng AFP cho biết, nhiều xe buýt chở người tị nạn cũng đã đến các đảo Lesbos và Chios vào sáng sớm 4-4. Đức, Lithuania và Estonia cũng đưa lực lượng chuyên môn, cảnh sát và biên phòng đến Hy Lạp để tham gia kế hoạch đưa người tị nạn về Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thỏa thuận mà EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được vào ngày 20-3 vừa qua, người nhập cư trái phép vào EU từ ngày này mà không đủ điều kiện sẽ bị đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu EU “mở hầu bao” và tiếp nhận người tị nạn Syria từ Thổ theo cơ chế “một đổi một”, nhưng giới hạn số lượng trao đổi là 72.000 người. Một trung tướng cảnh sát của Hy Lạp giám sát các chuyến tàu từ đảo Lesbos đến cảng Dikili của Thổ.  

Kể từ khi thỏa thuận này có hiệu lực, khoảng 4.000 người tị nạn đã bị bắt giữ ở các đảo của Hy Lạp để chờ ngày đưa trở lại Thổ. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkan Ala khẳng định nước ông sẵn sàng tiếp nhận khoảng 500 người di cư trong ngày 4-4. Trong khi đó, giới chức Hy Lạp đã cung cấp danh sách khoảng 400 người nhưng con số này có thể thay đổi.

Từ ngày 4-4 đến 6-4, có khoảng 750 người tị nạn đầu tiên từ đảo Lesbos được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, một số nước như Đức, Pháp, Hà Lan, Phần Lan, Bồ Đào Nha là những nước EU đầu tiên phải tiếp nhận người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà quan sát cho rằng, ngày 4-4, ngày đầu tiên thực hiện thỏa thuận mang tính biểu tượng nhiều hơn và số lượng người được trả về Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ít hơn con số dự đoán ban đầu. Song, các nhà quan sát băn khoăn về tiêu chí tiếp nhận và trả người tị nạn bởi điều này vẫn chưa được công khai. Tổ chức Ân xá quốc tế chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ ép buộc hàng trăm người tị nạn Syria hồi hương trong lúc quốc gia Trung Đông này vẫn chưa thoát khỏi nội chiến. Song, Ankara bác bỏ chỉ trích này.

Tuy nhiên, Ý đang lo ngại về thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận, số người đến các cảng biển của Ý qua biển Địa Trung Hải tăng gấp hai lần số người đến Hy Lạp qua biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ. Khi người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi không thể đến Hy Lạp để tiến vào châu Âu thì họ sẽ chuyển hướng vào Ý. Bộ Nội vụ Ý thậm chí ước tính, chính phủ Rome phải đối mặt với việc tiếp nhận khoảng 270.000 người tị nạn trong năm nay, cao gấp 2,5 lần so với năm ngoái.

PHÚC NGUYÊN

.