Quốc tế

Mỹ - Nhật bàn về Biển Đông

08:27, 26/05/2016 (GMT+7)

Hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ sẽ được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mà còn là vấn đề mà Mỹ và Nhật Bản bàn thảo trong cuộc gặp gỡ song phương trước thềm hội nghị vào tối 25-5.

An ninh được thắt chặt tại tỉnh Mie và các vùng lân cận. 					        	          Ảnh: AFP
An ninh được thắt chặt tại tỉnh Mie và các vùng lân cận. Ảnh: AFP

Hãng Reuters cho biết, gặp gỡ trước thềm hội nghị tại Ise Shima, thuộc tỉnh Mie, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản Shinzo Abe thảo luận về nhiều chủ đề, gồm khủng bố, người tị nạn, thương mại, an ninh mạng và an ninh hàng hải, trong đó có hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngoài ra, vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông cũng được Tổng thống Obama và Thủ tướng Abe đề cập.

Cũng theo Reuters, một trong những nội dung chính của cuộc gặp song phương là việc ngăn chặn hành động phạm tội của nhân viên tại các căn cứ quân sự Mỹ sau khi xảy ra vụ Kenneth Franklin Shinzato (32 tuổi), nhân viên dân sự tại căn cứ không quân Kadena của Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản), bị tình nghi giết một phụ nữ ở địa phương này.

Okinawa là nơi đồn trú của hơn 50% trong số khoảng 50.000 binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản. Song, người địa phương vốn phản đối việc Mỹ bố trí các căn cứ quân sự tại đảo này bởi cho rằng đây là một gánh nặng không công bằng; đồng thời lên án các vụ phạm tội, tình trạng ô nhiễm và tiếng ồn liên quan đến các căn cứ.

Năm 1995 từng xảy ra vụ một quân nhân Mỹ cưỡng bức một nữ sinh Nhật Bản, làm dấy lên các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại căn cứ quân sự của Washington ở Okinawa.

Hai chính phủ Mỹ và Nhật Bản đã thống nhất kế hoạch di chuyển căn cứ không quân Futenma của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, một trong những căn cứ quân sự trên đảo Okinawa, đến nơi ít dân hơn ở đảo này.

Theo đó, căn cứ Futenma sẽ được di dời từ khu vực dân cư đông đúc ở Ginowan đến khu vực Henoko thuộc Nago, thưa dân hơn, vẫn trong địa phận tỉnh Okinawa. Tuy nhiên, kế hoạch vấp phải sự phản đối của các quan chức và nhiều người dân địa phương bởi họ muốn các căn cứ quân sự của Mỹ phải được đưa ra khỏi đảo.

Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Chính phủ nhận thức đầy đủ về tính nghiêm trọng của vụ việc gần đây tại Okinawa và đang xem xét cảm nhận của người dân. Thủ tướng Abe sẽ tìm kiếm những giải pháp từ Tổng thống Obama”. Ông Suga nói rằng, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật cũng sẽ bàn thảo về nền kinh tế toàn cầu, mối quan hệ song phương cùng các vấn đề khu vực cũng như toàn cầu.

Hiện diện ở Nhật Bản lần này, ngày 27-5, Tổng thống Obama cũng sẽ có chuyến thăm lịch sử đến Hiroshima, nơi Mỹ đã ném bom nguyên tử vào ngày 6-8-1945. Cả hai chính phủ đều kỳ vọng chuyến thăm này sẽ minh chứng một liên minh mạnh mẽ giữa hai cựu thù thời chiến. Ông Obama sẽ là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Hiroshima.

Hãng Kyoto cũng cho hay, Hội nghị thượng đỉnh G7, với sự tham dự của Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ, sẽ phản đối mạnh mẽ hoạt động của Trung Quốc trong việc bồi đắp xây đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa các tiền đồn trên Biển Đông. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, không có mặt trong cuộc nhóm họp của G7 nhưng vấn đề liên quan đến Bắc Kinh được cho là sẽ chiếm lĩnh diễn đàn. Thực tế, Mỹ và Nhật Bản đều muốn tìm kiếm sự ủng hộ để chống lại những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

An ninh được thắt chặt trên khắp tỉnh Mie và các vùng lân cận. Tokyo khẳng định: Trong 2 ngày diễn ra hội nghị sẽ không có cơ hội cho khủng bố thực hiện như các vụ tấn công từng xảy ra ở Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ). Các nhà chức trách đặc biệt lưu ý các “mục tiêu mềm” như nhà hát và sân vận động, nơi những kẻ khủng bố thường nhắm đến.

PHÚC NGUYÊN

.