Quốc tế

Việt Nam cùng các nước duy trì hòa bình, an ninh Biển Đông

07:58, 06/06/2016 (GMT+7)

Ngày 5-6, Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh thường niên quan trọng nhất của châu Á, khép lại sau 3 ngày diễn ra tại Singapore. Tại diễn đàn an ninh này, vấn đề Biển Đông một lần nữa lại được đề cập cụ thể và cấp bách khi nhiều ý kiến đã tập trung làm rõ những hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng như những hệ lụy của nó.

Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp phi pháp trên bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa.  Ảnh: CSIS
Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp phi pháp trên bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa. Ảnh: CSIS

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu tại phiên họp đặc biệt về “Kiểm soát căng thẳng trên Biển Đông” trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Bùi Văn Nam nhấn mạnh: Việt Nam đã thể hiện phương pháp và cách xử lý những vấn đề phức tạp ở Biển Đông rất rõ ràng; đồng thời đề nghị các nước liên quan đến khu vực Biển Đông, bao gồm các nước trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước trên thế giới tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký các nước ASEAN, tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) một cách cụ thể và thiết thực.

Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý và lịch sử

Thứ trưởng Bùi Văn Nam khẳng định: Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý và lịch sử, có sự đồng thuận của các nước về những vấn đề liên quan đến biển và lãnh thổ. Các hành động đơn phương đang làm thay đổi nguyên trạng tình hình ở Biển Đông, trái với DOC cũng như luật pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực hành động tích cực hợp pháp của tất cả các nước, góp phần duy trì hòa bình, an ninh khu vực bảo đảm tự do đi lại trên biển, an toàn hàng hải, an ninh khu vực, an toàn hàng không, an toàn không gian mạng trên không, an toàn dưới mặt nước biển và an toàn môi trường biển. Trên cơ sở đó, Việt Nam cam kết tham gia tích cực cùng các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường bảo đảm an ninh khu vực thông qua các diễn đàn khu vực và quốc tế; tiếp tục phát huy sự đồng thuận có tính trung tâm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng đề nghị các bên cần tích cực tìm kiếm các công cụ giúp hạn chế nguy cơ và va chạm trên biển như thiết lập các đường dây nóng, thống nhất các quy tắc ứng xử trong tình huống đột xuất, bất ngờ, đáng lưu ý gần đây là ý tưởng đề xuất cơ chế phối hợp tuần tra chung giữa các lực lượng hải quân, chấp pháp của các nước ASEAN.

Việt Nam nhấn mạnh việc tuân thủ các quy tắc nhằm tránh xảy ra va chạm vũ trang trên biển, trên vùng trời ngoài biển, ở tầng dưới mặt nước biển, lòng biển, môi trường biển, hoạt động của tàu ngầm quân sự; coi trọng hơn nữa các cơ chế, hình thức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, nhất là hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, ứng phó với thảm họa, thiên tai, hợp tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, phối hợp phòng chống các loại tội phạm trên biển đang nổi lên ở khu vực...

Việt Nam ủng hộ việc trao đổi, chia sẻ thông tin tích cực, chủ động mạnh mẽ trong nội bộ các nước ASEAN, với các đối tác và các bên liên quan, với các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ… nhằm duy trì hòa bình, an ninh tại Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Không quốc gia nào đứng ngoài cuộc

Trong khi đó, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng, Trung Quốc có nguy cơ phải chịu rủi ro khi xây dựng “Trường Thành tự cô lập” bằng việc tăng hoạt động quân sự ở các vùng biển đang tranh chấp. Ông cảnh báo việc Trung Quốc xây dựng trên một hòn đảo nhỏ ở Biển Đông mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền, sẽ châm ngòi cho các hành động của Mỹ và các quốc gia khác. Song, người đứng đầu Lầu Năm Góc đề nghị tăng cường hợp tác an ninh song phương nhằm giảm thiểu các nguy cơ rủi ro; đồng thời từ chối đề cập cụ thể về những hành động của Mỹ.

Về phía Nhật Bản, dù không nêu đích danh Trung Quốc khi nói về các thách thức an ninh lớn trong khu vực, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hoạt động cải tạo nhanh chóng và quy mô lớn, cũng như việc xây dựng các tiền đồn được sử dụng vì mục đích quân sự ở một số khu vực trong vùng biển tranh chấp. Ông Nakatani nhấn mạnh: “Các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và củng cố các thay đổi đó như một sự đã rồi sẽ làm chệch hướng đáng kể trật tự biển dựa trên các nguyên tắc của cộng đồng quốc tế”. Bộ trưởng Nakatani khẳng định các hành động như vậy đặt ra thách thức đối với trật tự toàn cầu dựa trên nguyên tắc hiện nay. Cũng theo ông, hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ củng cố sự thịnh vượng của cả cộng đồng quốc tế, không chỉ riêng của khu vực nên “không quốc gia nào là người ngoài cuộc trong vấn đề này”.

Hãng AFP cho biết, Đối thoại Shangri-La kết thúc vào ngày 5-6 trong sự bất đồng sau khi Trung Quốc chỉ trích Mỹ “khiêu khích” ở Biển Đông và tuyên bố Bắc Kinh sẽ không sợ rắc rối trong vấn đề tranh chấp. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc viện cớ rằng, Biển Đông đang trở nên “nóng hơn” do “sự khiêu khích của một số nước nào đó đang hành động ích kỷ vì lợi ích của họ” (!?). Ông khẳng định Trung Quốc sẽ không bị “bắt nạt” và “không sợ rắc rối” trong lúc Tòa án trọng tài thường trực quốc tế chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại các tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền trên Biển Đông.

Tuyên bố của ông Tôn Kiến Quốc được cho là nỗ lực nhằm đánh tráo khái niệm nhằm phủ nhận trách nhiệm của Bắc Kinh đối với sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa án nói trên thì sẽ là hành động không tôn trọng luật pháp quốc tế.

Cũng trong ngày 5-6, trong chuyến thăm Mông Cổ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Trung Quốc về việc Bắc Kinh thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực tranh chấp. Ông Kerry cho rằng, bất kỳ hành động nào của Trung Quốc liên quan đến việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông đều bị xem là “khiêu khích và gây bất ổn”, làm gia tăng căng thẳng.

PHÚC NGUYÊN

TTXVN

.