Quốc tế
Iran - Saudi Arabia khó tìm tiếng nói chung
Iran chính thức tuyên bố không đưa người hành hương đến lễ hajj ở Saudi Arabia trong năm nay, đồng thời đổ lỗi Riyadh đã không bảo đảm an ninh cho những người tham dự một trong những sự kiện lớn nhất của người Hồi giáo.
Hơn 2 triệu người hành hương đổ về thánh địa Mecca ở Saudi Arabia mỗi năm. Ảnh: AP |
Lễ hajj trở thành vấn đề khiến căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc Trung Đông sau thảm họa giẫm đạp khi thực hiện nghi lễ “ném đá quỷ dữ” tại lễ hội vào tháng 9 năm ngoái tại thánh địa Mecca đã làm ít nhất 2.426 người chết. Iran cho rằng, trong số những người chết có đến 464 người hành hương từ quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này. Iran cũng cảnh báo con số người chết cao hơn và thực tế hai nước rơi vào tình trạng “khẩu chiến”.
Ngày 2-6, Iran chính thức tuyên bố không đưa những người hành hương đến hajj, một trong những sự kiện lớn nhất của người Hồi giáo, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, bởi cáo buộc “Saudi Arabia đang chống lại quyền thực hiện bổn phận tôn giáo của người dân và đã phong tỏa con đường đến với thánh Allah”. Trước đó, Iran yêu cầu bảo đảm an ninh cho những người hành hương nhưng tại vòng đàm phán thứ hai ở Saudi Arabia trong tuần này, phía Riyadh đã từ chối yêu cầu của Tehran. Riyadh nói rằng, đòi hỏi của Tehran là “không thể chấp nhận được”.
Theo Bộ trưởng Văn hóa Iran Ali Jannati, hàng loạt đàm phán đã diễn ra nhưng không có kết quả bởi “những trở ngại gia tăng từ phía Saudi Arabia, người hành hương Iran sẽ không thể tham dự hajj vào tháng 9 tới”.
Hãng AP dẫn lời ông Saeed Ohadi, người đứng đầu Tổ chức Hành hương và hajj nói rằng, Saudi Arabia biết việc họ sẽ trả cái giá đắt cho việc ngăn cản những người hành hương từ Iran. Tháng 5 vừa qua, Quốc vương Saudi Arabia khẳng định sẽ không cho phép những người hành hương Iran biểu diễn nghi thức Shi’ite tại lễ hajj.
Trong khi đó, Saudi Arabia - quốc gia vốn theo dõi khoảng hơn 2 triệu người Hồi giáo trên khắp thế giới hành hương về thánh địa Mecca - cáo buộc Iran tước đi quyền công dân tham gia hoạt động tôn giáo bằng việc từ chối ký kết bản ghi nhớ sau khi đối thoại với Tổ chức Hành hương và hajj
Căng thẳng giữa Iran với Saudi Arabia càng leo thang; thậm chí, mối quan hệ xuống đến mức thấp nhất kể từ lúc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao sau khi Riyadh hành hình giáo sĩ dòng Shi’ite Sheikh Nimr al-Nimr, với hàng loạt tội trạng, trong đó có tội gieo rắc bất đồng quan điểm ở vương quốc người Sunni này.
Giáo sĩ Nimr không phải là chức sắc tôn giáo hàng đầu của người Shi’ite ở Saudi Arabia nhưng là đại diện cho những nhà hoạt động tôn giáo trẻ thuộc dòng Shi’ite tại vương quốc này, những người vốn muốn phá vỡ sự im lặng của chức sắc tôn giáo cũ để đòi quyền bình đẳng với người Hồi giáo dòng Sunni.
Vụ hành quyết đã khơi mào cho các cuộc biểu tình do người Shi’ite dẫn đầu ở Iran. Những người biểu tình Iran đã tấn công các cơ sở ngoại giao của Saudi Arabia và Riyadh đáp trả bằng việc cắt quan hệ ngoại giao với Tehran.
Hồi đầu năm nay, Iran cấm tất cả hàng nhập khẩu đến từ Saudi Arabia và khuyến cáo người dân Tehran rằng, họ không thể tham gia lễ hội hành hương đến các thành phố linh thiêng Mecca và Medina.
Căng thẳng với Iran cũng làm nền kinh tế của Saudi Arabia bị thiệt hại. Du lịch tôn giáo mang lại cho Saudi Arabia khoảng 18 tỷ USD/năm, trong đó có sự đóng góp rất lớn của du khách Iran (khoảng 600.000 người).
THIÊN BÌNH