Quốc tế

Vụ Philippines kiện Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông

Tòa sẽ phán quyết vào ngày 7-7

08:09, 20/06/2016 (GMT+7)

Tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA) tại The Hague (Hà Lan) dự kiến ngày 7-7 tới sẽ ra phán quyết cuối cùng về việc Philippines kiện Trung Quốc xung quanh những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ trên Biển Đông.

Tàu sân bay USS John C. Stennis là một trong hai tàu sân bay tham gia tập trận trên Biển Philippines. 			Ảnh: AFP
Tàu sân bay USS John C. Stennis là một trong hai tàu sân bay tham gia tập trận trên Biển Philippines. Ảnh: AFP

Báo Manila Times đã đăng tải về thời gian dự kiến PCA ra phán quyết. Theo đó, báo này cho biết, các nhà ngoại giao hàng đầu cùng các chuyên gia của Philippines đã nhóm họp để bàn thảo chiến lược khi tòa có phán quyết. Vấn đề đặt ra là nếu PCA ra phán quyết có lợi cho Philippines thì Manila vẫn khó thực thi kết luận của tòa bởi Trung Quốc tuyên bố sẽ chống phán quyết. Ông Lauro Baja, đại diện thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc nói rằng, Manila cần chuẩn bị các kịch bản khác nhau.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò”. Cường quốc châu Á này cũng tuyên bố có được sự ủng hộ của hơn 60 nước. Tuy nhiên, chỉ có 8 nước công khai ủng hộ Trung Quốc, bao gồm: Afghanistan, Gambia, Kenya, Lesotho, Niger, Sudan, Togo và Vanuatu. 5 nước: Campuchia, Ba Lan, Slovenia và Bosnia và Herzegovina, đã bác bỏ thông tin ủng hộ Trung Quốc.

Theo chuyên gia về Biển Đông Euan Graham thuộc Viện Lowy (Úc), 8 quốc gia công khai ủng hộ Trung Quốc “tẩy chay” phán quyết của PCA là một “liên minh lập lờ” hoặc không hiểu gì cả.

Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Mỹ ngày 19-6 cho biết, hai tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan đã bắt đầu các cuộc tập trận trên Biển Philippines. USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan là hai trong số những tàu chiến lớn nhất thế giới. Cuộc diễn tập phòng không, trinh sát biển và tấn công tầm xa lần này có sự tham gia của 12.000 thủy thủ, 140 máy bay và 6 tàu chiến nhỏ. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng, các cuộc tập trận nhằm thúc đẩy tự do hàng hải và tự do hàng không ở vùng biển, vùng trời khu vực. “Đây là cơ hội tốt để chúng tôi huấn luyện cách thức vận hành nhiều nhóm tàu sân bay tấn công trong một vùng biển tranh chấp”, Chuẩn đô đốc Mỹ John Alexander nói.

Thông cáo của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định: “Là một quốc gia Thái Bình Dương và thủ lĩnh của khu vực, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì an ninh, sự phồn thịnh và giải pháp hòa bình cho các xung đột”. AFP dẫn lời cơ quan này cho hay, hoạt động diễn tập đánh dấu việc Mỹ tiếp tục hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương trong lúc Trung Quốc mở rộng sức mạnh hàng hải và bồi đắp các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.

Trước đó, tàu USS John C. Stennis đã tham gia diễn tập cùng hải quân Nhật Bản, Ấn Độ ở tây Thái Bình Dương và ở Biển Đông. Chiếc USS Ronald Reagan trước khi đến Biển Philippines đã được bảo dưỡng tại căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản. Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đến thăm tàu sân bay USS John C. Stennis khi nó di chuyển ngoài khơi Philippines, gần vùng biển tranh chấp - nơi Trung Quốc bồi đắp các bãi đá ngầm thành các đảo nhân tạo.

Philippines đang thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng với Mỹ, một đồng minh có hiệp ước lâu đời, để tăng cường năng lực của một trong những lực lượng quân đội yếu nhất châu Á. Cuộc tập trận lần này là minh chứng về việc Mỹ quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ Philippines.

VĨNH AN

.