Quốc tế

Kiểm soát súng đạn ở Mỹ: Cuộc chiến còn dài

08:14, 17/06/2016 (GMT+7)

1.000 vụ xả súng trong 1.260 ngày, đó là những con số biết nói cho người ta hình dung rõ rệt hơn bất cứ thông tin nào khác về những khủng hoảng trong kiểm soát súng đạn tại Mỹ.

Những người tuần hành ở thủ đô Washington, D.C. kêu gọi chấm dứt bạo lực súng. 		     Ảnh: AFP
Những người tuần hành ở thủ đô Washington, D.C. kêu gọi chấm dứt bạo lực súng. Ảnh: AFP

Vụ xả súng tại hộp đêm Pulse nổi tiếng dành cho người đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida ngày 12-6 vừa qua thực sự là giọt nước tràn ly, khiến công luận Mỹ dường như không thể chịu đựng được thêm nữa trước những cái chết cực kỳ vô lý chỉ vì sự cuồng loạn của một vài kẻ được “IS tẩy não” như Omar Mateen gây ra.

Ông Chris Murphy, Thượng nghị sĩ Dân chủ, bang Connecticut cho rằng, với nhiều người dân Mỹ, vụ xả súng tại hộp đêm Pulse là quá sức chịu đựng và mọi người rất mệt mỏi khi thấy Thượng viện “đã không làm gì cả” để ứng phó trước các vụ xả súng trong thời gian gần đây. Ông Murphy nói: “Với tất cả những người đại diện cho bang Connecticut chúng tôi, việc Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) không làm gì cả, không hề làm gì trước các vụ tàn sát liên tiếp xảy ra không chỉ là điều đau lòng với chúng tôi, đó còn là sự táng tận lương tâm”. Ông nói tiếp: “Vẫn không hề có một cuộc thảo luận nào được lên kế hoạch (về kiểm soát súng) tại Thượng viện. Vẫn chưa hề có một cuộc thảo luận nào được lên kế hoạch trong các ủy ban… Trong khi đó, vẫn có 30.000 người đang hấp hối mỗi ngày tại đất nước này”.

Đó là nguyên nhân khiến ông Murphy và các cộng sự đảng Dân chủ tại Thượng viện đã điều trần liên tục trong hơn 14 tiếng đồng hồ, từ trưa 15-6 đến rạng sáng 16-6 tại Thượng viện. Họ đã đạt được thỏa thuận với đảng Cộng hòa xung quanh việc sẽ bỏ phiếu về dự luật kiểm soát súng. Theo đó, phe Cộng hòa chấp nhận sẽ tổ chức bỏ phiếu về dự luật kiểm soát súng đạn với những điều khoản chặt chẽ hơn liên quan công tác rà soát thông tin của người mua súng và kiểm soát chặt danh sách theo dõi khủng bố. Chính phủ cũng sẽ ban hành quy định cấm bán súng và vật liệu nổ cho những kẻ bị nghi ngờ là khủng bố.

Thực tế, đã gần một thập niên trôi qua kể từ khi Quốc hội Mỹ có những chỉnh sửa quan trọng đối với Luật kiểm soát súng đạn của liên bang. Tháng 4-2007, Quốc hội thông qua luật siết chặt hơn hệ thống kiểm tra lý lịch tức thời với người mua súng sau khi xảy ra vụ một tay súng tại Đại học Bách khoa Virginia sát hại 32 người vẫn có thể mua súng. Tiền sử bệnh tâm thần của người này không được liệt kê ở dữ liệu kiểm tra thông tin khách hàng trong việc mua bán vũ khí nóng.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein của bang California từng đề xuất một dự thảo luật tương tự hồi tháng 12 năm ngoái, một ngày sau khi cặp vợ chồng Hồi giáo cực đoan đã xả súng sát hại 14 người ở San Bernardino. Tuy nhiên, khi đó, Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã bác bỏ đề xuất này. Và ông Murphy nay cũng muốn bỏ phiếu về luật mở rộng các điều khoản yêu cầu kiểm tra nhân thân người mua vũ khí nóng.

NRA cho biết, họ rất vui lòng gặp gỡ và trao đổi với tỷ phú Trump, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, về các vấn đề liên quan tới kiểm soát súng. Họ tái khẳng định sẵn sàng ủng hộ dự luật cho phép chính phủ trì hoãn việc bán vũ khí nóng cho các nghi phạm khủng bố tới 72 tiếng đồng hồ. Các công tố viên khi đó sẽ có nhiệm vụ phải thuyết phục được thẩm phán ngăn chặn hoàn toàn việc mua bán này nếu họ có đủ bằng chứng.

Trong một diễn biến liên quan, tổ chức kiểm soát súng đạn có tên Everytown for Gun Safety do cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg bảo trợ cho biết, họ đang tiến hành thỏa thuận với Thượng nghị sĩ bang Pennsylvania Patrick Toomey về những điều khoản liên quan tới kiểm soát súng trước đây.

Tuy nhiên, đúng như chia sẻ trên tài khoản Twitter của ông Chris Murph, bất chấp những tín hiệu tích cực trong sự thỏa hiệp giữa hai đảng phái chính tại Mỹ về vấn đề kiểm soát súng đạn, đây vẫn là cuộc chiến còn lâu mới ngã ngũ. Ông Murph viết: “Đây chỉ là một bước. Cuộc chiến vẫn còn lâu mới kết thúc. Nhưng có hàng triệu tiếng nói đang đòi hỏi phải thay đổi. Và chúng tôi không thể dừng lại việc hối thúc điều đó”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.