Những thông điệp được đưa ra tại hai hội nghị quốc tế chống khủng bố diễn ra ở đảo Bali của Indonesia cho thấy, khủng bố vẫn là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định về xã hội và kinh tế toàn cầu, như khẳng định của Giám đốc điều hành Cơ quan phân tích và báo cáo chuyển giao tài chính Úc (AUSTRAC) Paul Jevtovic.
Cảnh sát Indonesia diễn tập chống khủng bố tại Surabaya, Đông Java. Ảnh: Jakarta Post |
Ngày 10-8, các phái đoàn đến từ 30 quốc gia và 3 tổ chức quốc tế tập trung ở đảo Bali của Indonesia để bàn thảo về những nỗ lực hợp tác quốc tế chống khủng bố. Hai hội nghị diễn ra đồng thời tại đây gồm Hội nghị quốc tế về chống khủng bố (IMCT) và Hội nghị thượng đỉnh về chống tài trợ khủng bố (CTF). Trong đó, IMCT do Văn phòng Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Wiranto đăng cai; còn Hội nghị thượng đỉnh CTF do Trung tâm Phân tích và giao dịch tài chính Indonesia (PPATK) phối hợp với AUSTRAC tổ chức.
Theo báo Jakarta Post, hai sự kiện nói trên được cho là mang lại cái nhìn sát thực hơn đối với nỗ lực của toàn cầu trong việc chống khủng bố xuyên biên giới, giữa lúc nguy cơ khủng bố ngày càng hiện rõ ở khu vực. Một vụ việc gây chấn động mới nhất là Indonesia bắt giữ 6 đối tượng âm mưu tấn công vịnh Marina của Singapore bằng tên lửa từ đảo Batam của Indonesia. Nhóm này được cho là có liên hệ với Bahrun Naim - phần tử người Indonesia đang chiến đấu cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và là kẻ chủ mưu hàng loạt vụ tấn công ở Jakarta hồi đầu năm nay.
Báo Jakarta Post cho biết, đây là lần thứ hai Hội nghị thượng đỉnh CTF được tổ chức (lần thứ nhất diễn ra ở thành phố Sydney của Úc hồi năm ngoái) nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các đơn vị phân tích tài chính, nhất là ở Đông Nam Á.
Giám đốc điều hành AUSTRAC Paul Jevtovic nói rằng, khủng bố vẫn là mối đe dọa chính đối với sự ổn định về xã hội và kinh tế toàn cầu. “Vấn đề chính của bất kỳ hành động khủng bố nào là nguồn tài trợ để tiến hành các vụ tấn công”, ông Jevtovic nói.
Theo Giám đốc PPATK Muhammad Yusuf, vai trò của Indonesia và Úc khi đồng chủ trì sự kiện lần này phản ánh sự ưu tiên của cả hai chính phủ trong việc chống lại mối đe dọa xuyên quốc gia. “Thông qua cuộc gặp này, chúng ta có thể thúc đẩy kinh nghiệm và sự hiểu biết, cũng như thắt chặt mối quan hệ để ngăn chặn, vượt qua và chống lại các hoạt động tài trợ tài chính cho khủng bố”, ông Yusuf nói thêm. Cũng theo PPTAK, khoảng 1 triệu USD từ các nguồn nước ngoài đã được rót vào Đông Nam Á trong năm 2014 và 2015 để tài trợ cho khủng bố khu vực.
Trong khi đó, IMCT bàn thảo sự cần thiết chia sẻ thông tin tình báo về khủng bố và phong trào của các tay súng nước ngoài - phong trào có sự tham gia của khoảng 100 người Úc, 600 người Indonesia và 70 người Malaysia ở Syria, hầu hết có liên quan IS.
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Wiranto cho rằng, trong lúc các mối đe dọa tấn công khủng bố gia tăng với sự xuất hiện của IS, cần triển khai tất cả biện pháp cần thiết để ngăn chặn và chống chủ nghĩa khủng bố. “Vì lý do đó, lựa chọn duy nhất của chúng ta là tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn và theo một lộ trình bền vững”, ông Wiranto nói.
Theo ông, tình trạng bất ổn chính trị, ý thức hệ cực đoan, việc sử dụng mạng xã hội và sự gia tăng các nguồn tài chính phi pháp là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ các vụ tấn công khủng bố trên toàn cầu. Ngoài ra, điều đáng lo ngại nữa là việc các tay súng IS trở về quê hương góp phần dẫn đến hiện tượng “sói đơn độc” và là một thách thức mới hiện nay trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tham dự IMCT, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói rằng, Indonesia hiện dẫn đầu trong sự hợp tác chống khủng bố trong khối ASEAN. Jakarta cũng đóng vai trò then chốt trong các cuộc thảo luận chống khủng bố tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+. Tổng Thư ký ASEAN kêu gọi các nước trong khu vực thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương, bảo đảm sự phối hợp của các cơ quan quốc phòng để tiến hành diễn tập an ninh và bảo đảm an ninh các khu vực biên giới.
PHÚC NGUYÊN