Quốc tế

Vụ CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa

Mỹ nói trừng phạt, Trung Quốc nói không

07:47, 05/08/2016 (GMT+7)

Mỹ và các đồng minh đã gây áp lực đối với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) phải ra nghị quyết chỉ trích CHDCND Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Song, Trung Quốc kêu gọi không nên làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa trong cuộc tập trận vào ngày 21-7 vừa qua. 		 	 Ảnh: AFP
CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa trong cuộc tập trận vào ngày 21-7 vừa qua. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, 15 thành viên HĐBA LHQ đã nhóm họp kín khẩn cấp vào ngày 3-8, theo đề nghị của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc xung quanh vụ CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo. Đại sứ Mỹ Samantha Power kêu gọi “phản ứng mạnh mẽ, nhanh chóng từ HĐBA” sau cuộc họp, đồng thời mô tả vụ phóng tên lửa là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.

Mỹ kỳ vọng HĐBA ra nghị quyết lên án CHDCND Triều Tiên. Phó Đại sứ Anh Peter Wilson nói rằng, vụ phóng mới nhất “vi phạm rõ ràng nghị quyết của HĐBA LHQ” cấm Bình Nhưỡng phát triển công nghệ tên lửa. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric khẳng định các vụ thử “đe dọa nghiêm trọng hòa bình và sự ổn định của khu vực”. Theo bà Dujarric, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng bày tỏ “lo ngại sâu sắc”.

HĐBA LHQ một lần nữa chỉ trích vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo, dự thảo tuyên bố do Mỹ soạn thảo từ tháng trước vấp phải bức tường rào Trung Quốc - đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng. Đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất kêu gọi sự thận trọng. “Không nên có động thái gì làm căng thẳng trầm trọng hơn trên bán đảo Triều Tiên. Đây là nguy cơ thật sự. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần làm việc có trách nhiệm”, vị đại sứ này nói.

Theo AFP, thực tế, CHDCND Triều Tiên đã phóng đồng thời 2 tên lửa đạn đạo tầm trung vào sáng 3-8. Một tên lửa dường như phát nổ ngay khi rời bệ phóng. Tên lửa thứ hai lần đầu tiên rơi xuống Biển Nhật Bản, trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản (EEZ), khiến Tokyo tức giận. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên tiếng phản đối mạnh mẽ và cho rằng, đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nước ông. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hiện vẫn được đặt trong tình trạng báo động cao trước khả năng có thêm các vụ phóng khác từ Bình Nhưỡng.

Vụ phóng tên lửa lần này diễn ra sau khi CHDCND Triều Tiên đe dọa có hành động xung quanh việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và chỉ một vài tuần trước khi Washington cùng Seoul tiến hành tập trận quân sự chung trên quy mô lớn mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi”. Mỹ luôn khẳng định việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc đơn thuần mang tính phòng vệ nhưng Bình Nhưỡng bác bỏ tuyên bố này. Ngày 4-8, Đại sứ Mỹ Samantha Power bác bỏ cáo buộc rằng, việc Washington triển khai THAAD đã kích động CHDCND Triều Tiên thử tên lửa trong thời gian gần đây.

Theo một bức thư gửi HĐBA, Mỹ, Nhật Bản và 10 nước khác còn đề nghị Ủy ban cấm vận của LHQ điều tra vụ phóng 3 tên lửa Scud và tên lửa tầm trung No Dong vào ngày 18-7 vừa qua. 10 thành viên HĐBA, cùng với Úc và Hàn Quốc, cũng đề nghị Ủy ban này xem xét chi tiết vụ phóng và “có hành động phù hợp”.

Việc điều tra có thể xác định các cá nhân và công ty liên quan đến chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên; theo đó, các cá nhân và công ty sẽ đối mặt với biện pháp cấm vận, bao gồm cấm thị thực nhập cảnh toàn cầu và “đóng băng” tài sản. Trung Quốc và Nga không ủng hộ đề nghị này. Kể từ lần đầu tiên thử hạt nhân vào năm 2006 đến nay, CHDCND Triều Tiên đã bị áp 5 lệnh trừng phạt của LHQ.
Về phía Hàn Quốc và Nhật Bản, ngày 4-8, đặc phái viên hai nước đã thống nhất hợp tác chặt chẽ để đối phó với các vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Song, Bình Nhưỡng cảnh báo Seoul không nên hành xử liều lĩnh khi căng thẳng quân sự giữa hai bên đang gia tăng nhanh hơn sau vụ nổ mìn ở khu vực biên giới hồi tháng 8 năm ngoái.

PHÚC NGUYÊN

.