Người dân ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về những tác động của việc Triều Tiên thử hạt nhân này đối với khu vực.
Hình ảnh mô tả vị trí vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Người dân Triều Tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng ngày 9/9 hân hoan ăn mừng vụ thử hạt nhân thứ 5 của nước này thành công. Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên KRT vừa đăng những hình ảnh người dân nước này thưởng thức chương trình nghệ thuật tại nhà hát Ponghwa để chào mừng thành công của vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vừa qua.
Một người dân Triều Tiên chia sẻ: “Đây là một sự kiện lịch sử đối với đất nước chúng tôi, nó cho thấy địa vị chiến lược của chúng tôi với tư cách là một quốc gia hạt nhân”.
Vụ thử tên lửa được cho là lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên lại khiến một số người dân ở Đan Đông, Trung Quốc, khu vực tiếp giáp với Triều Tiên tỏ ra quan ngại, đặc biệt là vì vấn đề môi trường.
Một giáo viên tiếng Anh ở Đan Đông cho biết: “Điều chúng tôi lo lắng hiện nay là nguồn nước và không khí có thể bị ô nhiễm. Tôi còn sợ không biết mình có nên tắm hay không nữa”.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết, Bộ Môi trường nước này đã bắt đầu những biện pháp khẩn cấp để giám sát mức độ phóng xạ ở khu vực biên giới với Triều Tiên.
Trong khi đó, tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc sáng nay cũng đã diễn ra các cuộc biểu tình phản đối vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Anh Park Chan-sung, một người biểu tình cho biết: “Người dân Hàn Quốc kêu gọi Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa đối với Triều Tiên và ngay lập tức tháo dỡ những cơ sở hạt nhân của Triều Tiên”.
Bộ ngoại giao Hàn Quốc ngày 10/9 cho biết, năng lực phát triển công nghệ hạt nhân của Triều Tiên “đã đạt đến mức độ đáng kể”, thể hiện qua vụ thử hạt nhân lần thứ 5, cũng là vụ thử hạt nhân mạnh nhất của nước này từ trước đến nay.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho rằng, vụ thử hạt nhân chứng tỏ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không sẵn sàng thay đổi, vì thế cần có những biện pháp trừng phạt và gây áp lực mạnh mẽ hơn để Bình Nhưỡng “không còn cách nào khác là phải thay đổi”.
Theo Diệu Hương/VOV