Sau các cuộc đàm phán marathon, Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Cuộc hội đàm tại Geneva (Thụy Sĩ) cuối tuần qua được cho là thắng lợi ngoại giao của Nga.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) cùng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp gỡ tại Geneva (Thụy Sĩ) và hai bên đã thống nhất thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Ảnh: AFP |
Cùng với thỏa thuận ngừng bắn, người ta kỳ vọng những kết quả cụ thể trên thực địa là chấm dứt các xung đột và bảo đảm an toàn cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại các khu vực bị bao vây ở Syria. Xa hơn nữa còn là kế hoạch điều phối chung trong chiến dịch không kích phiến quân thánh chiến giữa hai nước nếu thỏa thuận ngừng bắn được bảo vệ trong 7 ngày.
Kế hoạch hành động chung
Trong nhiều tháng qua, Nga liên tục gửi những đề xuất rằng, Mỹ cùng Mátxcơva tham gia cuộc chiến tiễu trừ các nhóm thánh chiến như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Song, cho tới trước những hứa hẹn thỏa thuận vừa đạt được, Mỹ vẫn liên tục từ chối đề nghị nói trên.
Trước đó, Lầu Năm Góc cho rằng, mục tiêu của các chiến dịch do Nga tiến hành là hỗ trợ lực lượng quân đội chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và điều này đương nhiên xung đột với mục tiêu tập trung tiêu diệt IS của Mỹ.
Kế hoạch phối hợp hành động giữa quân Mỹ và Nga chỉ có thể diễn ra nếu Mátxcơva và chính phủ của ông Assad tuân thủ hoàn toàn những cam kết trong lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày, từ ngày 12-9. Tuy nhiên, chỉ riêng việc đạt được kế hoạch này cũng đã được xem là chiến thắng ngoại giao của Mátxcơva. Chuyên gia phân tích chính trị Fyodor Lukyanov nhận định: “Đây là một thành công của Nga vì họ luôn mong muốn ký được một thỏa thuận như vậy và đã mất nhiều công sức trong thời gian dài”. Cũng theo chuyên gia này, các nhà đàm phán của Mỹ đã ở trong thế không thể không đồng thuận.
Phương Tây cáo buộc Nga “chống lưng” cho ông Assad khi dồn hỏa lực vào các nhóm phiến quân chống lại chính phủ Damascus. Trong khi đó, Mátxcơva một mực khẳng định các chiến dịch không kích của họ nhằm vào các tổ chức “khủng bố”. Mátxcơva liên tục chỉ trích lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu cũng đang tiến hành không kích tại Syria và cho rằng, các cuộc không kích chống khủng bố đó không hiệu quả.
Không đề cập số phận của Tổng thống Assad
Mỹ vẫn giữ quan điểm ủng hộ các lực lượng nổi dậy ôn hòa tại Syria và lặp lại lập trường ông Assad phải từ chức để bảo đảm việc duy trì lâu dài một thỏa thuận hòa bình. Dù vậy, trong vài năm qua, những yêu cầu như vậy cũng đã giảm tần suất.
Thỏa thuận vừa đạt được ở Geneva ngày 9-9 không đề cập số phận của Tổng thống Assad. Song, thỏa thuận yêu cầu Nga phải can thiệp và gây áp lực với chính phủ của ông Assad để bảo đảm thực hiện triệt để thỏa thuận. Thực tế này cho thấy, sự lãnh đạo thời hậu chiến tại Syria vẫn là vấn đề mấu chốt trong việc giải quyết xung đột. Chuyên gia Lukyanov nhận định: “Thực tế, chính phủ Syria đã can dự một cách gián tiếp trong thỏa thuận - vì Nga được yêu cầu phải gây áp lực với họ - đây là sự thừa nhận gián tiếp rằng, nhân tố này (sự hiện diện của ông Assad) vẫn còn đó…”.
Thỏa thuận mong manh
Nga gọi thỏa thuận vừa đạt được là một bước tiến trong quá trình giải quyết cuộc nội chiến kéo dài 5,5 năm và cam kết sẽ gây áp lực để chính phủ Syria tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, đến lúc này, vẫn còn những hoài nghi bởi đây không phải lần đầu tiên Mátxcơva và Washington đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Syria. Từng có một thỏa thuận như thế hồi tháng 2 vừa qua và đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đứng ra bảo đảm, nhưng rồi thỏa thuận đó bị phá vỡ.
Mỹ cũng đã thúc đẩy nhiều bước hành động chắc chắn hơn từ phía Mátxcơva để buộc Tổng thống Assad ngừng ném bom vào dân thường, tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn và gỡ bỏ bao vây phong tỏa ở thành phố phía bắc Aleppo. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo, Mátxcơva không thể “bảo đảm 100%” việc tất cả các bên tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn mới.
Chính phủ Syria cũng đã chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn, nhưng vẫn chưa nói rõ liệu thỏa thuận đó có thể kéo dài đủ lâu theo kế hoạch để có thể xúc tiến chiến dịch không kích chung giữa Mỹ và Nga hay không. Chuyên gia phân tích người Nga Pukhov chia sẻ với hãng thông tấn TASS rằng, mặc dù chính phủ Syria bảo đảm sẽ thực thi thỏa thuận nhưng Tổng thống Assad “cũng không thể kiểm soát tất cả những người ủng hộ ông”, những người mà rất có thể sẽ bị lôi kéo vào những hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn.
TRẦN ĐẮC LUÂN