Quốc tế

Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha sẽ làm Tổng Thư ký LHQ

08:54, 07/10/2016 (GMT+7)

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đã ủng hộ cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres làm Tổng Thư ký LHQ, thay thế ông Ban Ki-moon sắp hết nhiệm kỳ.

Ông Antonio Guterres sẽ là cựu Thủ tướng đầu tiên làm Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. 	  Ảnh: AP
Ông Antonio Guterres sẽ là cựu Thủ tướng đầu tiên làm Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP

Theo đó, ông Antonio Guterres sẽ là cựu Thủ tướng đầu tiên làm Tổng Thư ký LHQ. Vị chính trị gia 67 tuổi này cũng từng đứng đầu cơ quan tị nạn của LHQ. Ông cam kết sẽ cải tổ cơ chế ngoại giao toàn cầu nhằm gia tăng những nỗ lực kiến tạo hòa bình và thúc đẩy quyền con người.

Hãng AFP cho biết, con đường để đến chiếc ghế Tổng Thư ký LHQ, người đứng đầu ngoại giao thế giới của ông Guterres bằng phẳng. Trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 5-10, 13/15 thành viên đã ủng hộ ông và không có phiếu chống nào trong số 5 thành viên có quyền phủ quyết. Riêng trong vòng bỏ phiếu bí mật, ông nhận được 4 phiếu ủng hộ và 1 phiếu “không có ý kiến” từ các thành viên có quyền phủ quyết gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ.

Đại sứ Nga Vitaly Churkin cùng 14 đại sứ khác tuyên bố, ông Guterres sẽ kế nhiệm ông Ban Ki-moon. Đại sứ Churkin đồng thời bày tỏ mong muốn ông Guterres sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ trên cương vị Tổng Thư ký LHQ trong 5 năm tới. Trong 5 cuộc bỏ phiếu không chính thức trước đó, vị Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995-2002 cũng nhanh chóng giành được sự đồng thuận của các nước.

Song, lựa chọn của Hội đồng Bảo an LHQ còn phải được Đại hội đồng LHQ phê chuẩn và tân Tổng Thư ký sẽ bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 1-1-2017.

Hãng AFP dẫn lời Đại sứ Pháp Francois Delattre nói rằng, lựa chọn một người thông thạo nhiều ngoại ngữ như ông Guterres là tốt cho LHQ. Trong khi đó, đại sứ Anh Matthew Rycroft ca ngợi ông Guterres sẽ là “một Tổng Thư ký mạnh mẽ, hiệu quả”. Đại sứ Mỹ Samantha Power cho rằng, kinh nghiệm và tầm nhìn của ông Guterres có tính thuyết phục, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết có một nhà lãnh đạo chèo lái LHQ trong suốt thời gian xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Tại Bồ Đào Nha, giới chức các đảng phái khác nhau và người dân đều đón nhận tin vui này với niềm tự hào. “Tất cả chúng ta đã chiến thắng”, trang nhất nhật báo Publico ghi rõ.

Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa thậm chí gọi ông Guterres là “phi thường” và nói rằng, kết quả “rất tốt cho thế giới, rất tốt cho LHQ và rất tốt cho Bồ Đào Nha”. Thủ tướng đương nhiệm của Bồ Đào Nha Antonio Costa cũng bày tỏ “niềm tự hào to lớn” về kết quả bỏ phiếu nói trên.

Theo báo The Guardian, có tổng cộng 10 ứng cử viên cạnh tranh để trở thành Tổng Thư ký LHQ, trong đó có cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), Cao ủy về ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) Kristalina Georgieva đến từ Bulgaria, người chỉ mới tham gia cuộc đua hồi tuần trước. Song, bà Georgieva không giành được sự ủng hộ của các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.

Trong chiến dịch vận động, nhiều nước kêu gọi ủng hộ ứng cử viên nữ và người đến từ Đông Âu làm Tổng Thư ký LHQ nhưng rốt cuộc Tây Âu lại chiến thắng.

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova cũng đến từ Bulgaria nhận được 2 phiếu chống trong số 5 thành viên có quyền phủ quyết. Trước đó, bà Bokova bị chính phủ Bulgaria gạt ra và thay thế bằng việc đề cử bà Georgieva.

Các nhà ngoại giao cho hay, một ứng cử viên nữ khác cũng tham gia cuộc đua là Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra. Song, bà nhận được 1 phiếu chống từ 1 thành viên có quyền phủ quyết. Trong khi đó, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak nhận đến 2 phiếu phủ quyết.

Các ứng cử viên khác được đánh giá là tiềm năng nhưng cuối cùng lại thất bại như cựu Thủ tướng New Zealand, Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ Helen Clark; cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic; cựu Ngoại trưởng Macedonia Srgjan Kerim… Cựu Tổng thống Slovenia Danilo Turk nhận đến 4 phiếu chống trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.

THIÊN BÌNH

.