Quốc tế
Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng
Iraq cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra “chiến tranh khu vực” khi tiếp tục duy trì sự hiện diện của quân đội ở gần thành phố Mosul. Quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này đang gia tăng căng thẳng.
Một tư lệnh quân đội báo cáo với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim (trái) tình hình thông qua bản đồ biên giới Thổ - Iraq. Ảnh: AP |
Ngày 5-10, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn thêm một năm triển khai binh sĩ Thổ ở gần thành phố Mosul, miền bắc Iraq, là động thái có thể gây ra “chiến tranh khu vực”. “Chúng tôi đã hơn một lần yêu cầu phía Thổ Nhĩ Kỳ không can thiệp vào các vấn đề của Iraq và tôi lo ngại rằng, sự mạo hiểm của Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn đến chiến tranh khu vực”, ông Abadi phát biểu trên Đài truyền hình nhà nước. Vị Thủ tướng Iraq cũng cho rằng, ứng xử của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là không thể chấp nhận được. “Chúng tôi không muốn sa vào một cuộc đối đầu quân sự với Thổ”, ông Abadi nói.
Tuần trước, với số phiếu áp đảo, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu gia hạn thêm hoạt động quân sự ở Iraq và chống “các tổ chức khủng bố” (các chiến binh người Kurd và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS). Nhiệm vụ này được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua lần đầu tiên vào tháng 10-2014 và từng được gia hạn thêm 1 năm vào tháng 9-2015.
Đêm 4-10, Quốc hội Iraq phản đối quyết định nói trên, chỉ trích cuộc bỏ phiếu của nước láng giềng và kêu gọi Ankara cùng 2.000 binh sĩ rời khỏi quốc gia Trung Đông này. Quốc hội Iraq cũng đề nghị chính phủ phải áp dụng tất cả các biện pháp ngoại giao và pháp lý để bảo vệ lãnh thổ, đồng thời xem xét lại mối quan hệ kinh tế và thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ. Dù Ankara khẳng định việc triển khai binh sĩ ở căn cứ phía bắc Iraq là một phần của sứ mệnh huấn luyện, trang bị cho lực lượng Iraq để chống IS, nhưng chính phủ Iraq vẫn khẳng định Baghdad không bao giờ mời đội quân như thế vào lãnh thổ và xem binh sĩ Thổ là “lực lượng chiếm đóng thù địch”.
Theo Reuters, căng thẳng giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ vốn dấy lên từ năm ngoái, nay thêm gia tăng trước thềm cuộc chiến đánh lùi IS ra khỏi thành trì quan trọng cuối cùng của lực lượng này tại Mosul. Tuy khẳng định sẵn sàng tham gia cuộc chiến này nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo, cuộc tấn công như vậy sẽ dẫn đến làn sóng người tị nạn trên khắp biên giới và dòng người đổ về châu Âu.
Cũng trong ngày 5-10, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ triệu đại sứ của nhau để bày tỏ phản đối những tuyên bố từ hai phía. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Iraq triệu Đại sứ Thổ ở Baghdad để chỉ trích những bình luận “khiêu khích” của Thủ tướng Binali Yildirim vào ngày trước đó về hoạt động đánh bật các chiến binh IS khỏi Mosul. Ông Yildirim đã nói với các nhà lập pháp của đảng cầm quyền rằng, hoạt động của Iraq có thể khơi mào căng thẳng sắc tộc Shi’ite và Sunni nếu khu vực có đa số người Sunni sinh sống xung quanh Mosul được đặt dưới sự kiểm soát của các chiến binh Shi’ite. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các chiến binh Shi’ite, thành phần chủ chốt trong lực lượng bán quân sự Iraq, có tham gia một phần thiết yếu trong chiến dịch Mosul hay không.
Tại Ankara, đại diện ngoại giao Iraq cũng bị triệu để phản đối xung quanh nghị quyết của Quốc hội Baghdad. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, nước này đã nhiều năm chịu đựng mối đe dọa khủng bố từ sự bất ổn ở Iraq và Ankara đã hỗ trợ mạnh mẽ sự toàn vẹn lãnh thổ, sự ổn định và an ninh của Iraq. Bộ Ngoại giao Thổ cũng ra tuyên bố bày tỏ sự thất vọng về nghị quyết của nước láng giềng.
PHÚC NGUYÊN