Quốc tế

Thông điệp cứng rắn của Mỹ với Triều Tiên

08:13, 21/09/2017 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ Donald Trump tận dụng bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) để huy động sự ủng hộ của quốc tế cho nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Đáng chú ý là ông dọa sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Bình Nhưỡng.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chỉ trích CHDCND Triều Tiên và tái khẳng định nguyên tắc “nước Mỹ là trên hết”. Ảnh: AFP
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chỉ trích CHDCND Triều Tiên và tái khẳng định nguyên tắc “nước Mỹ là trên hết”. Ảnh: AFP

Trong bài phát biểu đầu tiên trước 193 thành viên Đại hội đồng LHQ ngày 19-9 ở New York, (Mỹ), Tổng thống Donald Trump thúc giục các nước thành viên LHQ gia tăng sức ép nhằm buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông nói rằng, thế giới đang phải đương đầu với những mối đe dọa nghiêm trọng đến từ những quốc gia “bất trị” và “những phần tử khủng bố và cực đoan”. “Các chế độ bất trị không chỉ ủng hộ khủng bố mà còn đe dọa các quốc gia khác bằng vũ khí hủy diệt loài người”, Tổng thống Trump nói, đồng thời nhấn mạnh: Nếu Mỹ “buộc phải tự bảo vệ mình hoặc các đồng minh, chúng tôi sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn CHDCND Triều Tiên”.

Hãng AFP cho biết, trong bài phát biểu, Tổng thống Trump tái khẳng định nguyên tắc “nước Mỹ là trên hết”. Ông khẳng định, nguyên tắc này không chỉ phù hợp với mục tiêu hợp tác quốc tế, mà còn là nền tảng hợp lý cho mỗi quốc gia tham gia quá trình hợp tác, bởi tất cả các quốc gia có chủ quyền đều đặt nhu cầu của người dân lên trên hết…

Trong tuyên bố ngày 20-9, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ thể hiện quan điểm cứng rắn, cụ thể đối với các vấn đề then chốt nhằm bảo đảm hòa bình và an toàn mà cộng đồng quốc tế cũng như LHQ đang đối mặt.

Nhật Bản cũng đánh giá cao bước tiếp cận của Tổng thống Trump trong việc khiến CHDCND Triều Tiên phải thay đổi quan điểm; đồng thời kêu gọi Trung Quốc và Nga hợp tác để gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng.

Kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên, quốc gia này đã thực hiện hơn 80 vụ thử tên lửa. Từ năm 2006 đến nay, Hội đồng Bảo an LHQ đã 9 lần áp đặt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, lần mới nhất hồi đầu tháng 9 này. Tuy nhiên, những biện pháp cứng rắn của Hội đồng Bảo an vẫn không làm bán đảo Triều Tiên bớt nóng.

Lần này, theo các nhà phân tích, Tổng thống Donald Trump thể hiện quyết tâm ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ có thể mang lại tác dụng ngược, bởi ông Trump vô hình trung đang làm lợi cho CHDCND Triều Tiên bằng việc đưa ra bằng chứng cho thấy chương trình vũ khí hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này nhằm mục đích phòng thủ. Theo đó, cảnh báo mang tính đe dọa của ông Trump không thuyết phục được nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân. Và điều đáng nói là trước khi Tổng thống Trump có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ja Song Nam đã rời phòng họp.

Ông Joel Wit, chuyên gia cấp cao tại Viện Mỹ - Hàn, Đại học Johns Hopkins nói rằng, chưa rõ Washington có sẵn sàng trả giá cho một cuộc xung đột hay không. Mỹ hiện có 28.500 binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc, đây là “di sản” của Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953, sự kiện vốn kết thúc bằng lệnh ngừng bắn mà không có một hiệp ước hòa bình. Giờ đây, bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ cũng sẽ đối mặt với nguy cơ bị trả đũa quy mô lớn. Song, cũng theo ông Wit, Tổng thống Trump là “nhà lãnh đạo khó đoán định và rất khó để xác định khi nào ông ấy nghiêm túc và khi nào không”.

Hồi đầu năm 2017, đề cập vấn đề Triều Tiên, cựu cố vấn của Tổng thống Trump, ông Steve Bannon, khẳng định: “Không có giải pháp quân sự, hãy quên điều đó đi”. Nhưng Giám đốc Viện Nghiên cứu quân sự thuộc Đại học Dongyang (Hàn Quốc) Jeung Young-Tae cho rằng, mối đe dọa gia tăng từ CHDCND Triều Tiên có nghĩa là nước này không xem những phát biểu của ông chủ Nhà Trắng là lời đe dọa suông. “Vấn đề là đâu là giới hạn đỏ để khơi mào cho hành động quân sự?”, ông Jeung Young-Tae nói; đồng thời cho rằng trong lúc xung đột vẫn chưa có khả năng xảy ra, việc CHDCND Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân sẽ càng làm Mỹ khó ngồi vào bàn đối thoại.

PHÚC NGUYÊN

.