Quốc tế
Catalonia tiến thoái lưỡng nan
Sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào ngày 1-10, Catalonia hiện đối mặt với áp lực phải ngừng kế hoạch tuyên bố độc lập khi hàng trăm ngàn người biểu tình vẫn xuống đường phản đối việc ly khai.
Các cuộc biểu tình trên đường phố Barcelona gây sức ép cho chính quyền Catalonia. Ảnh: CNN |
Với người đứng đầu khu vực tự trị Catalonia, ông Carles Puigdemont, việc tuyên bố độc lập là thực hiện theo ý nguyện của người dân vùng này, bởi hơn 90% số người đi bỏ phiếu đã lựa chọn ly khai. Chính phủ Tây Ban Nha hiện lo ngại nghị viện Catalonia ngày 10-10 sẽ bỏ phiếu ủng hộ độc lập.
Theo luật trưng cầu dân ý của Catalonia, một cuộc bỏ phiếu ủng hộ tách khỏi Tây Ban Nha của nghị viện sẽ mở đầu cho tiến trình 6 tháng để đàm phán với Madrid trước khi tổ chức các cuộc bầu cử ở khu vực và cuối cùng là hành động chia tách.
Tuy nhiên, chính phủ Tây Ban Nha - vốn đang phấn khởi với các cuộc biểu tình trên đường phố ở Barcelona, thủ phủ vùng tự trị Catalonia, phản đối việc ly khai - ngày 9-10 tuyên bố rõ ràng rằng, Madrid sẽ phản ứng ngay lập tức với cuộc bỏ phiếu của nghị viện vùng tự trị giàu có ở phía đông bắc này. “Nếu có một tuyên bố độc lập đơn phương thì sẽ có những quyết định khôi phục luật pháp và dân chủ”, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaría khẳng định khi trả lời phỏng vấn đài COPE. Còn Thủ tướng Mariano Rajoy đến nay vẫn giữ quan điểm không loại bỏ việc sa thải chính quyền Catalonia và kêu gọi bầu cử mới ở khu vực.
Điều đáng nói là nếu mất Catalonia, nơi có ngôn ngữ và văn hóa riêng, Tây Ban Nha sẽ mất đi 1/5 sản lượng kinh tế và hơn ¼ lượng hàng xuất khẩu. Song, việc hàng loạt ngân hàng, công ty đang di dời trụ sở khỏi Catalonia được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của vùng này. Sức ép đặt ra cho chính quyền Catalonia chính là các cuộc biểu tình trong những ngày qua của những người phản đối ly khai, mà giới truyền thông gọi đây là cuộc nổi loạn của “số đông thầm lặng”. Thực ra, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1-10, vẫn có hơn 42% cử tri không tham gia bỏ phiếu và nay họ xuống đường biểu tình đòi chính quyền địa phương phải đối thoại để tìm giải pháp tháo gỡ khủng hoảng. Họ mang theo những khẩu hiệu như: “Catalonia là Tây Ban Nha”, “Chúng ta cùng nhau mạnh mẽ hơn”…
Giới quan sát cũng cho rằng, nếu rời khỏi Tây Ban Nha, Catalonia sẽ không nhận được nhiều như những gì người dân nơi đây vẫn nghĩ, trái lại còn đối mặt với bài toán khó. Chẳng hạn, Catalonia hiện không đủ lực lượng an ninh để thiết lập các đường biên giới. Các lĩnh vực như thuế, ngoại giao, quốc phòng, sân bay, cảng biển, tàu và cả tài chính hiện cũng được đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ Tây Ban Nha. Catalonia sẽ bị loại khỏi Liên minh châu Âu (EU) và không được sử dụng đồng tiền chung châu Âu, gây thiệt hại đáng kể cho hàng xuất khẩu của vùng tự trị này…
Trong lúc đó, EU chẳng quan tâm đến một Catalonia đang mong muốn đốc lập, dù ông Puigdemont đã đề nghị Brussels làm trung gian giải quyết khủng hoảng. Đó cũng là lý do mà Pháp, quốc gia giáp Catalonia, ngày 9-10 khẳng định sẽ không công nhận tuyên bố độc lập đơn phương. Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau nói rằng, nếu Catalonia được công nhận độc lập, hậu quả ngay tức thì sẽ là khu vực này tự động rời khỏi EU.
Ông Puigdemont đang đứng trước sức ép phải rút lui kế hoạch. Ông sẽ có bài phát biểu trước nghị viện Catalonia lúc 18 giờ ngày 10-10 (giờ địa phương) về “tình hình chính trị hiện tại”, trong lúc có những đồn đoán rằng ông có thể đề nghị cơ quan này tuyên bố độc lập.
PHÚC NGUYÊN