Quốc tế
Giải Nobel Kinh tế: Tôn vinh nghiên cứu kinh tế học hành vi
Ngày 10-9, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải Nobel Kinh tế 2017 cho GS. Richard H. Thaler (SN 1945, Đại học Chicago, Mỹ) vì “những đóng góp của ông cho kinh tế học hành vi”.
Giáo sư người Mỹ Richard Thaler là chủ nhân của giải Nobel Kinh tế. Ảnh: AP |
GS. Thaler là một trong những người tiên phong kết hợp giữa tâm lý học và kinh tế học. Bằng cách nghiên cứu tác động của “sự hợp lý hạn chế”, “sự thiên vị xã hội” và “sự thiếu kiểm soát bản thân”, ông chứng minh tính cách của con người có thể ảnh hưởng một cách có hệ thống đến các quyết định cá nhân cũng như kết quả của thị trường.
Theo tờ The Guardian, tại cuộc họp báo của lễ trao giải, ông Thaler cho biết điểm quan trọng nhất trong nghiên cứu của mình là “việc công nhận các tác nhân kinh tế chính là con người, và các mô hình kinh tế cần phải kết hợp với yếu tố tâm lý”.
Một trong những lý thuyết của vị giáo sư 72 tuổi này là “kế toán tinh thần” (mental accounting), giải thích cách con người đơn giản hóa các quyết định tài chính bằng cách chia số tiền mình có vào những tài khoản riêng biệt trong suy nghĩ, sau đó tập trung vào tác động của từng quyết định đơn lẻ thay vì xem xét tác động tổng thể. Ông cũng cho thấy nỗi sợ mất mát khiến con người xem giá trị của một vật lúc họ đang sở hữu cao hơn so với lúc họ không có nó (hiệu ứng sở hữu).
Ngoài ra, nghiên cứu về tính công bằng của GS. Thaler cũng ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực kinh tế học. Ông chứng minh rằng, các lo ngại về sự công bằng của khách hàng có thể ngăn giá cả của một mặt hàng tăng cao khi mặt hàng đó đang có nhu cầu lớn. Ông cùng các đồng nghiệp đã phát minh ra “trò chơi độc tài” - công cụ thực nghiệm đã được dùng trong rất nhiều nghiên cứu về cách con người nhìn nhận sự công bằng.
Tựu trung lại, những đóng góp của GS. Thaler đã làm cầu nối giữa kinh tế học và tâm lý học về cách con người đưa ra quyết định. Các phát hiện thực nghiệm và lý thuyết của ông đã xây dựng nên một lĩnh vực nghiên cứu mới và ngày càng phát triển về kinh tế học hành vi, vốn có ảnh hưởng to lớn đối với nhiều lĩnh vực kinh tế và chính sách.
KHANG NINH