Quốc tế
Ngày "phán quyết" của Catalonia
Phiên họp của nghị viện Catalonia ngày 26-10 được cho là có thể dẫn đến một tuyên bố độc lập đơn phương cho khu vực này. Song, nếu Catalonia tuyên bố độc lập sẽ kéo theo sự “mạnh tay” từ chính phủ Tây Ban Nha.
Nhiều người tham gia biểu tình ủng hộ độc lập tại Barcelona, thủ phủ của Catalonia. Ảnh: AP |
Hãng AFP cho rằng, ngày 26-10 là thời điểm có thể phá vỡ mối quan hệ mong manh giữa chính phủ Tây Ban Nha với Catalonia khi 135 thành viên nghị viện của khu vực đông bắc giàu có này nhóm họp, trong đó những người chủ trương ly khai chiếm đa số. Phiên họp có thể kéo dài đến ngày 27-10. Cùng lúc đó, một ủy ban của Thượng viện nhóm họp tại thủ đô Madrid để xem xét đình chỉ quyền tự trị của chính quyền Catalonia và kiểm soát các cơ quan chủ chốt như tài chính, lực lượng cảnh sát nơi đây, trừ khi vùng này từ bỏ tham vọng độc lập.
Trước đó, phát biểu với Đài truyền hình Tây Ban Nha ngày 25-10, Phó Thủ hiến Catalonia Oriol Junqueres chỉ trích chính phủ Trung ương không cho khu vực tự trị của ông bất kỳ sự lựa chọn nào, ngoài việc thúc đẩy việc tuyên bố một nền cộng hòa mới. Song, Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha Rafael Catala khẳng định, tuyên bố độc lập của chính quyền Catalonia “sẽ không có giá trị pháp lý”, thậm chí còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu “xét về mặt hình sự”.
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập niên qua được dấy lên từ sự kiện trưng cầu dân ý về độc lập của Catalonia ngày 1-10 vừa qua. Với 7,5 triệu dân, Catalonia có ngôn ngữ và văn hóa riêng, đồng thời đã trải qua quá trình đấu tranh để có được quyền tự trị. Song, người Catalonia ngày nay vẫn bị chia rẽ sâu sắc xung quanh vấn đề ly khai khỏi Tây Ban Nha, bởi chỉ có khoảng 43% cử tri (tức khoảng 2,3 triệu người) tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý.
Trong trường hợp Catalonia chính thức tuyên bố độc lập, Madrid sẽ dùng điều 155 của Hiến pháp để đình chỉ quyền tự trị của chính quyền khu vực Catalonia. Theo AFP, Thượng viện - nơi đảng Nhân dân của Thủ tướng Mariano Rajoy chiếm đa số ghế - sẽ thông qua các biện pháp phế truất ông Puigdemont và tất cả quyền hành của ông. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 28-10 và duy trì trong 6 tháng, cho đến khi Catalonia tổ chức bầu cử và nghị viện mới nhậm chức.
Ông Puigdemont chỉ trích rằng, việc thu hồi quyền lực của vùng Catalonia là hành động “bôi nhọ” hiến pháp của Tây Ban Nha, đồng thời cảnh báo khủng hoảng sẽ leo thang nếu Madrid hành động như vậy. “Giải quyết vấn đề mà chính phủ gọi là tình trạng đặc biệt nghiêm trọng này sẽ gây ra một tình huống thậm chí còn đặc biệt nghiêm trọng hơn khi thu hồi quyền tự trị chính trị của Catalonia”, ông Puigdemont viết trong thư gửi Thượng viện.
Một số thành viên trong chính quyền Catalonia thúc giục ông Puigdemont tránh xung đột với Madrid bằng việc không tuyên bố độc lập, thay vào đó là kêu gọi bầu cử sớm để bầu một nghị viện mới. Song, hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài các cơ quan chính quyền Catalonia ngày 25-10, yêu cầu “độc lập” và “tự do” từ Tây Ban Nha. AFP dẫn lời các nhà quan sát lo ngại khủng hoảng sẽ khơi mào cho bất ổn tại Catalonia, nơi hiện có lượng du khách giảm và 1.500 công ty đóng cửa để di chuyển trụ sở ra khỏi khu vực kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý.
Các nhà quan sát nhận định: Việc cả hai bên đều không chịu “xuống thang” và có những động thái thách thức lẫn nhau chỉ càng làm tình hình thêm nghiêm trọng. Theo đó, nhiều khả năng chính phủ Trung ương sẽ “mạnh tay” với Catalonia.
PHÚC NGUYÊN