Quốc tế
Đêm kinh hoàng ở Las Vegas: Mỹ tranh cãi về luật sở hữu súng đạn
Vụ xả súng tối 1-10 trong lễ hội âm nhạc Route 91 Harvest ở trung tâm Las Vegas (bang Nevada) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc kiểm soát súng đạn - vấn đề gây tranh cãi nhiều năm qua tại Mỹ.
Nhiều người hoảng sợ chạy khỏi hiện trường. Ảnh: AFP |
Vụ việc đã làm ít nhất 59 người chết và gần 600 người bị thương, gây chấn động toàn nước Mỹ. Tổng thống Donald Trump gọi đây là “sự tận cùng của tội ác”. Ông yêu cầu treo cờ rủ tại Nhà Trắng và các cơ quan công quyền, cơ sở quân sự cũng như tất cả các tàu hải quân đến hết ngày 6-10.
Hãng CNN cho biết, một vài ngày trôi qua nhưng người Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng. Hàng trăm người dân bang Nevada đã xếp hàng để hiến máu cứu những người bị thương. Chính quyền Las Vegas công bố đường dây nóng để giúp người dân tìm người thân của mình, đồng thời thiết lập trung tâm đoàn tụ gia đình dã chiến tại Sở Cảnh sát thành phố. Theo lực lượng cứu hỏa bang Nevada, người dân Mỹ đã tặng nhiều vé máy bay, chỗ ở, thức ăn, phương tiện đi lại và các hàng hóa khác cho các gia đình đang trên đường đến Las Vegas tìm người thân trong vụ thảm sát.
Chưa rõ động cơ của nghi can Stephen Paddock (64 tuổi), kẻ đã lạnh lùng đứng ở tầng 32 của khách sạn và sòng bạc Mandalay Bay nã đạn liên tục hơn 10 phút vào những người vô tội đang thưởng thức lễ hội âm nhạc Route 91 Harvest. Paddock cũng tự sát trước khi cảnh sát ập đến. Điều đáng nói là sau khi lục soát căn phòng khách sạn tại Las Vegas và ngôi nhà ở Mesquite (bang Nevada) của Paddock, cảnh sát đã tìm thấy tổng cộng 42 khẩu súng trường và hàng nghìn băng đạn, trong đó riêng tại phòng khách sạn có ít nhất 18 khẩu súng cùng loại và hàng trăm băng đạn. CNN đặt ra câu hỏi: Làm thế nào Paddock sở hữu loại súng tự động có tính sát thương lớn, trong khi Luật Liên bang năm 1986 cấm những người không thuộc cơ quan thực thi pháp luật và quân đội sở hữu súng trường tự động?
Theo cảnh sát trưởng hạt Clark Joe Lombardo, vũ khí mà Paddock sử dụng trong vụ thảm sát có thể đã được hoán cải từ súng bán tự động sang tự động, nhưng ông thừa nhận chưa tận mắt thấy vũ khí của hung thủ. Thực tế, luật pháp bang Nevada không cấm bán các loại “vũ khí tấn công”, tức súng dân dụng bán tự động được chế tạo giống như vũ khí quân sự.
Vụ thảm sát một lần nữa khơi dậy cuộc tranh luận về quyền sở hữu súng trong nội bộ các chính trị gia Mỹ. Hãng Reuters cho biết: “Đảng Dân chủ muốn kiểm soát súng chặt chẽ hơn, còn đảng Cộng hòa im lặng”.
Trên Twitter, cựu ứng viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ Hillary Clinton viết: “Thử tưởng tượng số người chết sẽ như thế nào nếu kẻ sát nhân dùng một chiếc súng giảm thanh - thứ mà Hiệp hội súng trường NRA đang muốn người dân dễ dàng sở hữu hơn. Sự buồn đau là không đủ. Chúng ta hãy gác chính trị sang một bên để chống lại NRA, để những sự việc như thế này không bao giờ xảy ra nữa”.
Thượng nghị sĩ bang Connecticut, ông Chris Murphy, thể hiện sự giận dữ và yêu cầu “Quốc hội phải làm gì đó”. Ông Murphy cho biết, sẽ đề xuất dự luật mới nhằm thắt chặt việc sở hữu vũ khí trong nước. Ý tưởng này nhận được sự đồng tình từ lãnh đạo đảng Dân chủ Nancy Pelosi.
Tuy nhiên, Nhà Trắng cho rằng, hiện vẫn còn quá sớm để thảo luận về chính sách kiểm soát súng tại Mỹ. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, chính phủ đang tập trung việc “đoàn kết đất nước”, chứ không phải vào “mặt chính sách”.
Người dân Mỹ cũng có những ý kiến khác nhau trong việc sở hữu súng. Theo khảo sát mới nhất của Viện Gallup, 55% số người được hỏi cho biết họ muốn siết chặt luật kiểm soát súng đạn, hơn 30% muốn giữ nguyên luật như hiện tại và 10% muốn một đạo luật “nhẹ nhàng” hơn.
Đặc biệt, hai nạn nhân sống sót trong vụ xả súng tại Las Vegas lại bảo vệ luật sở hữu súng hiện tại. Trả lời phỏng vấn của BBC, bà Caren Mansholt cho biết, những vụ tấn công sẽ không bị ngăn chặn dù thắt chặt luật sở hữu súng.
Tình trạng bạo lực súng đạn là vấn đề nhức nhối ở Mỹ nhiều năm nay khi có khoảng 90 người dân ở cường quốc này thiệt mạng mỗi ngày. Việc mua bán và sử dụng vũ khí tại nhiều bang ở Mỹ hiện diễn ra mà không cần thông qua sự kiểm tra nào cả về lý lịch lẫn tiền sử tâm lý của người sở hữu súng.
Chưa có thông tin người Việt Nam thương vong Nguồn tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cho biết, tính đến 23 giờ ngày 2-10 (10 giờ ngày 3-10, giờ Việt Nam), chưa có thông tin về người Việt thương vong trong vụ xả súng đẫm máu tại thành phố Las Vegas, bang Nevada. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã chỉ đạo các bộ phận liên quan liên tục cập nhật thông tin về vụ xả súng, đồng thời liên hệ với Sở Cảnh sát và Sở Ngoại vụ thành phố Las Vegas để nắm tình hình cộng đồng người Việt tại đây. Chính quyền thành phố Las Vegas cam kết cung cấp thông tin nhanh chóng cho Đại sứ quán Việt Nam thông qua đường dây nóng nếu phát hiện bất kỳ trường hợp người Việt nào thương vong, kể cả khách du lịch hay Việt kiều. Theo các nguồn tin trong cộng đồng, có khá nhiều người Việt làm việc trong khu vực xảy ra vụ xả súng ở khách sạn và sòng bạc Mandalay Bay, nhưng đa số làm các nghề dịch vụ như dọn phòng, chia bài..., trong khi buổi hòa nhạc được tổ chức ngoài trời, nên xác suất có người Việt gặp nạn là không cao. Cũng trong ngày 3-10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. TTXVN |
KHANG NINH