Quốc tế

Lãnh đạo Mỹ - Trung bàn chuyện thương mại

07:53, 09/11/2017 (GMT+7)

Vấn đề thương mại là một trong 2 nội dung trọng tâm nhất được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập trong cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khi đến Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Bắc Kinh chiều 8-11.                       Ảnh: Tân Hoa xã
Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Bắc Kinh chiều 8-11. Ảnh: Tân Hoa xã

Ngay khi Tổng thống Donald Trump đến thủ đô Bắc Kinh chiều 8-11, các công ty của Mỹ và Trung Quốc đã ký kết 19 thỏa thuận trị giá 9 tỷ USD. Hãng AFP dẫn lời Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cho rằng, các thỏa thuận này là dấu hiệu hiếm hoi cho thấy quan hệ giữa hai cường quốc đang ấm dần trước thềm cuộc hội đàm của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 9-11, theo đó sẽ đề cập hàng loạt thỏa thuận lớn hơn, bao gồm xuất khẩu khí tự nhiên và đậu nành. Cũng theo Phó Thủ tướng Uông Dương, các thỏa thuận kinh tế là nền tảng quan trọng cho toàn bộ quan hệ song phương và bày tỏ tin tưởng các thỏa thuận sẽ góp phần vào sự ổn định quan hệ Trung - Mỹ.

Hãng AFP nhận định, Tổng thống Trump muốn dùng chuyến công du 3 ngày để đề cập về thặng dư thương mại khổng lồ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn giảm nhẹ trong tháng 10 vừa qua còn 26,6 tỷ USD, sau khi tăng từ 26,23 tỷ USD vào tháng 8 lên 28,08 tỷ USD trong tháng 9 - mức cao kỷ lục của một tháng kể từ năm 2008. Số liệu cũng cho thấy, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ từ tháng 1 đến tháng 9 là 195,54 tỷ USD. “Sự mất cân bằng trong thương mại Trung Quốc là nội dung trọng tâm của cuộc thảo luận hợp tác giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chung là đạt được sự đối xử công bằng và tương hỗ cho các doanh nghiệp hai nước.

Ông Trump cũng được cho rằng sẽ tìm cách để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ khi gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc. Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong năm 2016 là 347,39 tỷ USD, xấp xỉ 50% mức thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới. Thâm hụt thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo vượt mức 300 tỷ USD trong năm nay.

Tuần trước, Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu lá nhôm Trung Quốc từ 96,81 - 162,24% bởi mặt hàng này đang được bán với giá thấp tại Mỹ. Trước đó 2 tháng, Mỹ áp thuế nhập khẩu lá nhôm Trung Quốc từ 16,56 - 80,97% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump luôn phàn nàn về tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước khiến nền kinh tế Mỹ chịu nhiều tổn hại. Thời gian gần đây, bài toán thương mại càng là vấn đề gai góc giữa Mỹ và Trung Quốc, đến mức giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Mỹ cho rằng, một phần thâm hụt do các doanh nghiệp Trung Quốc nhái lại sản phẩm cũng như ý tưởng của Mỹ và bán lại hàng sang Mỹ với giá thấp hơn, hoặc tạo sức ép để hàng Mỹ không tiếp cận được thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng, “một cuộc chiến tranh thương mại sẽ chẳng đi đến đâu, sẽ chẳng có bên nào thắng, mà bên nào cũng sẽ thua”.

Chuyên gia kinh tế trưởng châu Á của Bloomberg, Tom Orlik, tỏ ra không mấy lạc quan về việc nhà lãnh đạo Mỹ có thể hóa giải những bất đồng trong cán cân thương mại song phương. Dù vậy, dư luận và giới truyền thông Trung Quốc nhận định, hội đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình là “cuộc gặp quan trọng mang tính lịch sử” và được chú ý nhất trong chuyến công du châu Á lần này của ông chủ Nhà Trắng. Chuyến thăm này sẽ mở ra cơ hội để hai nền kinh tế hàng đầu thế giới xem xét lại những thành tựu trong quan hệ song phương, đồng thời vạch ra những bước đi tiếp theo.

THIÊN BÌNH

.