Quốc tế
Lệnh trừng phạt tác động mạnh đến Triều Tiên
Lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nếu được thông qua sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un quan sát lực lượng quân đội Triều Tiên diễn tập tấn công mục tiêu tại một địa điểm không xác định. Ảnh: KCNA/Getty Images |
HĐBA LHQ nhóm họp vào ngày 22-12 (sáng sớm 23-12, giờ Việt Nam) để bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết mới siết chặt lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Hãng AP cho biết, sẽ cấm gần 90% các sản phẩm xuất khẩu dầu tinh chế, bao gồm dầu diesel và dầu hỏa, xuất sang Triều Tiên; đặt ra mức trần cấm 500.000 thùng mỗi năm; giới hạn hoạt động xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên ở mức 4 triệu thùng/năm; đồng thời trục xuất lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 12 tháng. Mỹ ước tính khoảng 93.000 lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài. Washington lo ngại thu nhập của những lao động này ở nước ngoài được sử dụng để ủng hộ các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, dự thảo cấm Triều Tiên xuất khẩu thực phẩm, máy móc, thiết bị điện, đất đá, gỗ và tàu thuyền. Dự thảo cũng cấm tất cả các nước cung cấp thiết bị công nghiệp, máy móc, phương tiện vận tải và kim loại công nghiệp cho Triều Tiên; đồng thời bổ sung vào “danh sách đen” 19 quân nhân thuộc lực lượng vũ trang Triều Tiên.
Song, dự thảo nghị quyết không đưa ra các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất như mong muốn của chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump, chẳng hạn như cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu thô và “đóng băng” tài sản quốc tế của chính phủ CHDCND Triều Tiên cũng như nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Các đề xuất nêu trên là phản ứng đối với vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của CHDCND Triều Tiên ngày 29-11 vừa qua mà Bình Nhưỡng tuyên bố có khả năng vươn đến bất kỳ mục tiêu nào ở Mỹ. Đây là vụ thử tên lửa đạn đạo lần thứ 20 của Bình Nhưỡng trong năm nay và làm dấy lên lo ngại nước này sẽ sớm có kho vũ khí hạt nhân có thể nhắm vào Mỹ.
Mỹ đưa ra bản dự thảo và cho biết Washington đã trao đổi với Trung Quốc trước lúc HĐBA LHQ bỏ phiếu. Nghị quyết trừng phạt trước đó được thông qua vào ngày 11-9 nhằm đáp trả việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6.
Hãng Reuters dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, lệnh trừng phạt mới nếu được thông qua có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế của Triều Tiên. Ông Michael Kirby, một quan chức của LHQ, nhận định việc hạn chế xuất khẩu nhiên liệu sang CHDCND Triều Tiên là “một bước đi rất nghiêm trọng”. “Cắt nguồn cung cấp dầu thô rõ ràng gây tác động rất lớn đến những người dân thường”, ông Michael Kirby nói.
Trung Quốc vốn không ủng hộ việc Mỹ cắt nguồn cung cấp cho CHDCND Triều Tiên. Khi được hỏi về dự thảo nghị quyết mới lần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ. Không đề cập trực tiếp đến các đề xuất mới, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh chỉ khẳng định, Trung Quốc sẽ duy trì các kênh thông tin với tất cả các bên và ủng hộ những giải pháp nhằm “nhanh chóng tạo ra điều kiện cần thiết để giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán”.
Về phía Nga, hồi đầu năm nay, quốc gia này đã âm thầm hỗ trợ kinh tế cho CHDCND Triều Tiên. Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết, nước ông không sẵn sàng thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống lại Bình Nhưỡng. Ngày 21-12, cả Trung Quốc lẫn Nga đều đề nghị có thêm thời gian để xem xét đề xuất của Mỹ trong việc đưa 10 tàu chở hàng của Triều Tiên vào “danh sách đen” bị cấm rời cảng nước này. Chưa rõ thời gian mà Bắc Kinh và Mátxcơvca đề nghị là bao lâu.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-han cho rằng, ngay cả khi gây tác động về kinh tế thì cũng chưa rõ các biện pháp trừng phạt có khiến Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán hoặc ngừng phát triển vũ khí hạt nhân hay không. Lý do được cựu quan chức này đưa ra là, đã có vô số nghị quyết, trong đó có những nghị quyết được cho là cứng rắn nhất nhằm vào Bình Nhưỡng trong 25 năm qua, nhưng dường như không giải quyết được vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Báo Newsweek dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, năm 2018, Bình Nhưỡng sẽ thử một tên lửa mang vũ khí hạt nhân.
PHÚC NGUYÊN