Quốc tế

Mỹ cam kết sát cánh với châu Âu

08:12, 04/12/2017 (GMT+7)

Ngày 5-12, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt đầu chuyến công du châu Âu nhằm tái khẳng định cam kết bảo đảm an ninh của các đồng minh tại châu lục này, trong lúc quan hệ xuyên Đại Tây Dương không tốt đẹp.

Tổng Thư ký NATO (trái) và Ngoại trưởng Mỹ trong một cuộc gặp gỡ tại Brussels (Bỉ) hồi tháng 3-2017.	Ảnh: AFP
Tổng Thư ký NATO (trái) và Ngoại trưởng Mỹ trong một cuộc gặp gỡ tại Brussels (Bỉ) hồi tháng 3-2017. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đến Brussels (Bỉ) ngày 5-12, sau đó sẽ đến Vienna (Áo) và Paris (Pháp), bất chấp những thông tin rò rỉ rằng vị trí của ông sẽ bị thay thế trong vài tuần tới, do sự rạn nứt trong quan hệ giữa nhà ngoại giao này với ông chủ Nhà Trắng.

Chuyến công cán của Ngoại trưởng Tillerson diễn ra đúng lúc các bộ trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại Brussels, 57 thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhóm họp ở Vienna. Các đối tác của Mỹ trong NATO muốn biết Washington có thể hỗ trợ như thế nào để họ chống lại mối đe dọa từ chương trình tên lửa hạt nhân tầm xa của CHDCND Triều Tiên. Ông Tillerson cũng sẽ bàn thảo về cách thức tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương để đối phó với những thách thức lớn toàn cầu, trong lúc quan hệ Brussels - Washington căng thẳng do chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump. Song, đáng chú ý sẽ là cuộc gặp gỡ ông Tillerson với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề hội nghị OSCE trong tuần này.

Trong bài phát biểu ngày 30-11 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ đề cập chương trình nghị sự của chuyến công cán, nhưng ông không nói gì về Nga. Theo AFP, đến Brussels lần này, ông sẽ mang đến thông điệp cứng rắn rằng, các đồng minh NATO phải “vai kề vai” để chống lại “những mối đe dọa an ninh”. Không rõ điều này hàm ý chỉ Nga hay không, nhưng không như Tổng thống Donald Trump, ông Tillerson vốn có quan điểm cứng rắn với Mátxcơva; thậm chí từng tuyên bố sẽ “không trở lại mối quan hệ bình thường” nếu không có giải pháp cho vấn đề Ukraine. 

Giữa Liên minh châu Âu (EU) và Tổng thống Trump có sự khác biệt về hàng loạt vấn đề: cách thức đối phó với Nga, thỏa thuận hạt nhân Iran, biến đổi khí hậu, thương mại toàn cầu… Khi tiếp quản Nhà Trắng hồi tháng 1-2017, ông Trump muốn “hâm nóng” quan hệ với Nga và đặt nghi vấn về giá trị của những liên minh với Mỹ, vô hình trung tạo rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Song, quan hệ giữa Washington với Điện Kremlin cũng nhanh chóng xấu đi.

Ông Trump phản đối dự luật của Quốc hội Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga xung quanh cáo buộc Mátxcơva can thiệp vào xung đột ở đông Ukraine và bầu cử ở Mỹ, nhưng không vượt qua được sức ép của các nhà lập pháp. Châu Âu phản đối động thái của Mỹ bởi lo ngại sự trừng phạt của Washington gây tổn hại đến thương mại giữa Mátxcơva và lục địa già cỗi này.

Trước khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson là Chủ tịch Tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil, theo đuổi các dự án đầu tư lớn ở Nga và phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, khi là thành viên của chính phủ Mỹ, ông có quan điểm cứng rắn với Nga, nhất là xung quanh vấn đề Ukraine và việc Điện Kremlin ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như Iran. 

Trước khi lên đường đến châu Âu, Ngoại trưởng Tillerson tái khẳng định cam kết đối với an ninh khu vực. Trước đó, ông mô tả cam kết này là “không thể lay chuyển”, nhưng cũng nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thống Trump về việc các quốc gia châu Âu tăng chi phí quốc phòng lên mức 2% GDP, để Mỹ không phải gánh quá nhiều chi phí cho cả khối. Thực tế, châu Âu không mặn mà với yêu cầu của Mỹ, thậm chí chỉ trích Nhà Trắng. Tuy nhiên, kể từ sau chuyến công du của ông Trump đến châu Âu hồi tháng 7 vừa qua, nhiều nước đã gia tăng chi phí quốc phòng để đáp ứng mục tiêu 2% GDP.

VĨNH AN

.