Quốc tế

Saudi Arabia chưa hết sóng gió

08:21, 29/11/2018 (GMT+7)

Đối với Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman, hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tuần này tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) là dịp để ông khôi phục hình ảnh và tìm kiếm sự ủng hộ của các nước sau những ồn ào chung quanh cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.

Thái tử Mohammed bin Salman sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào ngày 30-11 và 1-12. Ảnh: Reuters
Thái tử Mohammed bin Salman sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào ngày 30-11 và 1-12. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, ngày 28-11, Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman đến Buenos Aires để chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 30-11 và 1-12. Trước đó, ông Mohammad dừng chân ở một số nước Arab - những quốc gia bạn bè của Saudi Arabia nhằm tìm kiếm sự ủng hộ, hình thành một “mặt trận chung” ở khu vực trước thềm hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nước phát triển và mới nổi G20.

Theo AP, mọi ánh mắt tại Argentina dường như dồn vào Thái tử Mohammad trong lúc Saudi Arabia vẫn bị chỉ trích gay gắt vì cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán nước này ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi đầu tháng 10 vừa qua. Cá nhân ông Mohammad bị nghi ngờ đã ra lệnh sát hại nhà báo Khashoggi mặc dù Riyadh kiên quyết bác bỏ điều này. Ông Mohammad hiện vừa muốn tăng giá dầu và nguồn thu cho Saudi Arabia, vừa muốn khôi phục hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Tuy nhiên, hãng AP cho rằng, hai mục tiêu này đang xung đột lẫn nhau.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - người liên tục gây sức ép đối với Saudi Arabia sau cái chết của nhà báo Khashoggi - cũng có mặt tại Buenos Aires. Thái tử Mohammad đã đề nghị gặp gỡ Tổng thống Erdogan để xoa dịu căng thẳng nhưng chưa rõ cuộc gặp có diễn ra hay không, khi mối quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề muốn trừng phạt Saudi Arabia. Washington đã trừng phạt 17 quan chức Saudi Arabia bị nghi liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi nhưng “đòn” này được cho là “làm lấy lệ” và không đủ sức nặng. Song, tại hội nghị thượng đỉnh G20, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thái tử Mohammad nếu diễn ra sẽ bị phủ bóng bởi giá dầu, vụ sát hại nhà báo và sức ép từ Quốc hội Mỹ. Ông Trump không muốn giá dầu tăng cao và từng thúc giục Saudi Arabia gia tăng sản lượng dầu thô trong mùa hè để hạ giá thành, đổi lấy lệnh trừng phạt mạnh mẽ chống lại Iran. Mỹ vốn là thị trường lớn của Saudi Arabia, trong khi Riyadh cần được Washington cung cấp thiết bị quân sự. Nếu Riyadh giảm nguồn cung dầu toàn cầu và tăng giá dầu, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, gây ảnh hưởng đến triển vọng tái tranh cử của ông Trump vào năm 2020 và vô hình trung mang lại lợi ích cho Iran.

Khi khủng hoảng Khashoggi xảy ra, Tổng thống Trump tìm cách bảo vệ mối quan hệ giữa Mỹ với Saudi Arabia, bảo vệ cả các hợp đồng mua bán vũ khí và tránh ảnh hưởng đến giá dầu. Trong lúc đó, Quốc hội Mỹ tức giận và yêu cầu ông chủ Nhà Trắng phải hành động chống Saudi Arabia, bao gồm việc ngừng bán vũ khí cho Vương quốc Hồi giáo này và áp đặt trừng phạt.

Tuy nhiên, có những thông tin cho hay, Tổng thống Mỹ sẽ không gặp gỡ Thái tử Mohammed bên lề hội nghị G20 mặc dù hai bên có rất nhiều vấn đề thảo luận.

Trong một diễn biến liên quan, chuyện “nóng” nhất ở Buenos Aires là với sức ép của các tổ chức nhân quyền, ông Mohammad có thể bị các công tố viên Argentina truy tố phạm tội ác chiến tranh ở Yemen - quốc gia nghèo nhất thế giới Arab và giết hại nhà báo Khashoggi. Cuộc chiến của liên minh do Arab Saudi dẫn đầu ở Yemen vào tháng 3-2015 đã làm nhiều dân thường thương vong, đồng thời phá hủy nhà cửa, trường học, bệnh viện, chợ và đền thờ.

Sóng gió đang bủa vây ông Mohammad. Song, cựu Đại sứ Canada tại Saudi Arabia Dennis Horak dự đoán áp lực quốc tế đối với vị Thái tử này sẽ không gia tăng nhiều. Theo ông Horak, những gì Saudi Arabia cần làm là tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực, trong đó nhiều nước không mấy bận tâm đến vụ khủng hoảng Khashoggi. Ông Horak cũng nói rằng, Saudi Arabia là “quốc gia rất quan trọng” trong khối G20. Vì vậy, đối với việc ông Mohammad có khả năng bị mất quyền lực hay không, người dân Saudi Arabia sẽ không chịu áp lực của quốc tế trong việc quyết định ai là người lãnh đạo đất nước.

PHÚC NGUYÊN

.