Quốc tế

Nhìn lại thế giới năm 2018: Xu hướng tất yếu của liên kết Á-Âu

14:24, 12/12/2018 (GMT+7)

Trên nền bức tranh tổng thể của thế giới năm 2018 có nhiều mảng tối thì việc đẩy mạnh hợp tác và tăng cường kết nối giữa châu Á và châu Âu có thể coi là điểm sáng đầy hứa hẹn của năm.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực cũng như hợp tác đa phương đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có, liên kết giữa hai châu lục rõ ràng là sự lựa chọn mang tính chiến lược.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn dự Phiên họp toàn thể thứ hai của ASEM 12, sáng 19/10/2018, tại Brussels (Bỉ). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn dự Phiên họp toàn thể thứ hai của ASEM 12, sáng 19-10-2018, tại Brussels (Bỉ). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Các rủi ro tài chính, chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng thương mại tác động không thuận đến đà phát triển và liên kết kinh tế thế giới.

Bất ổn, xung đột cục bộ ở một số khu vực phức tạp hơn; đối đầu địa chính trị gay gắt hơn. Hệ thống đa phương, nhất là hệ thống thương mại đa phương, đối mặt với nhiều nguy cơ.

Trong khi đó, những cơ hội to lớn mà kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng khoa học công nghệ phát triển và nền kinh tế tri thức mang lại có khả năng tạo ra những thay đổi và phát triển mang tính đột phá cho cuộc sống của con người.

Hợp tác được coi là yếu tố then chốt quyết định khả năng ứng phó với những thách thức và chủ động nắm bắt những cơ hội trong thời đại hiện nay.

Tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác và nâng cấp mối quan hệ đối tác giữa châu Á và châu Âu hướng tới tương lai từ lâu đã là nội dung chính của Hội nghị cấp cao Á Âu (ASEM), cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục ra đời năm 1996.

Trong tình hình hiện nay, khi các thách thức và cơ hội đều mang tính toàn cầu, đối tác hợp tác giữa châu Á và châu Âu cũng cần được nâng cấp tương ứng.

Tìm ra phương thức kết nối mới toàn diện và bền vững trở thành lựa chọn tất yếu khi châu Á (trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của ASEAN) và châu Âu cũng đang nổi lên là 2 điểm sáng của tăng trưởng kinh tế và kết nối toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 16 (AEBF 16), trưa 18/10/2018, tại Thủ đô Brussels (Bỉ). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 16 (AEBF 16), trưa 18/10/2018, tại Thủ đô Brussels (Bỉ). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Việc hai châu lục cùng chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) quy mô lớn đang mở ra cơ hội to lớn cho liên kết và phát triển.

Đặc biệt, nhu cầu kết nối trở nên cấp thiết khi tình hình quốc tế biến động không ngừng buộc Liên minh châu Âu (EU) phải gia tăng sự cam kết của liên minh này đối với châu Á, khu vực có tầm quan trọng và ảnh hưởng ngày càng tăng và cũng đang thu hút sự quan tâm của các cường quốc thế giới.

Đối với châu Á, mối quan hệ đối tác và kết nối thiết thực với châu Âu cũng mang lại nhiều lợi ích

Quyết tâm kết nối mạnh mẽ châu Âu với châu Á là chủ đề xuyên suốt được các nhà lãnh đạo của hai châu lục thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Á Âu (ASEM) lần thứ 12 diễn ra tại Brussels, Bỉ hồi tháng 10 vừa qua.

Tại hội nghị, EU đã đề xuất một kế hoạch đầy tham vọng với tên gọi “Chiến lược kết nối Á-Âu”, được triển khai trên 4 lĩnh vực, gồm kết nối giao thông, kết nối kỹ thuật số, kết nối năng lượng và kết nối con người.

Mục tiêu hướng tới của EU là tạo mạng lưới xuyên biên giới, trong đó cơ sở hạ tầng và kết nối hiệu quả tạo ra sự tăng trưởng và việc làm, cho phép người dân và hàng hóa di chuyển.

Ủy viên châu Âu về giao thông Violeta Bulc khẳng định: "Châu Âu và châu Á có lợi khi phát triển các tuyến thương mại hiệu quả và bền vững giữa hai lục địa. Hiện nay, 70% thương mại là qua đường biển, hơn 25% qua đường hàng không, trong khi đường sắt không đáng kể, do đó vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Chiến lược này sẽ cho các nước châu Âu và châu Á thêm một lựa chọn trong việc phát triển kết cấu hạ tầng và công nghiệp."

EU nhấn mạnh châu Âu và châu Á kết nối chặt chẽ và tốt hơn thông qua các liên kết giao thông, mạng lưới năng lượng, con người và kỹ thuật số sẽ tăng cường khả năng phục hồi của các xã hội và khu vực, tạo thuận lợi cho thương mại, bảo đảm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

EU rất chú trọng đề cao các kinh nghiệm và thế mạnh của mình để tạo sự khác biệt, tập hợp lực lượng nhằm bảo vệ lợi ích và thúc đẩy hợp tác theo hướng có lợi; nhấn mạnh đến yếu tố con người và bảo vệ các giá trị của con người, đặt ưu tiên phục vụ con người lên mức cao trong quá trình phát triển; đề ra những chuẩn mực cao về tính minh bạch, công nghệ, bảo vệ môi trường, nguồn huy động vốn....

"Kết nối Á-Âu” có thể coi là một chiến lược lớn đầy tham vọng của EU nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực trọng yếu đang có sự cạnh tranh và tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc thế giới.


Đây là lần đầu tiên EU có một chiến lược rõ ràng, toàn diện với châu Á. Các nhà lãnh đạo EU cho rằng đã đến lúc liên minh này cần tăng tốc can dự sâu hơn vào châu Á, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước lớn đã và đang tích cực thúc đẩy triển khai các kế hoạch đầy tham vọng tại châu lục này, như sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc hay “Tứ giác kim cương” của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thực tế cho thấy tại châu Á, thời gian qua, EU đã hướng tới tập trung vào tăng cường ngoại giao kinh tế và phát huy vai trò về an ninh, trong đó thúc đẩy ký kết các FTA với các đối tác chiến lược, như Nhật Bản, Ấn Độ cũng như các quốc gia thành viên ASEAN.

EU từ lâu đã định vị châu Á như một đối tác không thể thiếu, tuy nhiên, để tăng cường sự hiện diện ở khu vực có kinh tế phát triển năng động nhất thế giới này hoàn toàn không đơn giản khi mà đầu tư của các thành viên EU ở châu Á đang giảm so với các đối tác lớn khác, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) trong cuộc gặp bên lề ASEM 12 tại Brussels, Bỉ ngày 18/10/2018. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) trong cuộc gặp bên lề ASEM 12 tại Brussels, Bỉ ngày 18-10-2018. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Để bảo đảm các lợi ích kinh tế và chính trị của mình ở một châu lục hiện đang là tâm điểm phát triển của thế giới, EU phải đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng và toàn diện, đẩy mạnh mối liên kết giữa EU và các nước châu Á, đồng thời tích cực “quảng bá” chiến lược như một sự lựa chọn thay thế đáng tin cậy và bền vững.

"Kết nối Á-Âu" cũng cho thấy sự năng động và gắn kết hơn của Diễn đàn ASEM. EU coi đây là một phương thức kết nối toàn diện, dựa trên các nguyên tắc chung và bảo đảm tính bền vững, góp phần thúc đẩy gắn kết giữa châu Á và châu Âu trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Những nội hàm kết nối trong chiến lược cũng được xây dựng dựa trên mối quan hệ đối tác đã được hai bên thiết lập thông qua các khuôn khổ hợp tác trong ASEM, được đánh giá là bao trùm, tạo cơ sở tận dụng được hết tiềm lực và khả năng của các nền kinh tế thành viên ASEM.

Với chiến lược mới của EU, một môi trường chính trị và kinh tế mới đang hình thành giữa hai châu lục với những điều kiện thuận lợi hơn, từ đó thúc đẩy châu Âu và châu Á xích lại gần nhau hơn.

Thông qua hoạt động kết nối toàn diện này, hợp tác Á-Âu sẽ có thêm động lực và sức mạnh, tạo cơ hội để các hai châu lực ứng phó hiệu quả và thích nghi với những thay đổi của tình hình quốc tế, tiếp tục khẳng định vị thế của ASEM trong duy trì trật tự thế giới đa phương.

Theo TTXVN/Vietnam+

.