Thỏa thuận Brexit sụp đổ: Sóng gió trên chính trường Anh

.

Việc Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit với số phiếu áp đảo là thất bại nặng nề của Thủ tướng Theresa May. Chính trường Anh rơi vào hỗn loạn khi thỏa thuận Brexit đã “chết” và quyền lực của bà May đang lung lay.

Thủ tướng Anh Theresa May chịu thất bại nặng nề khi Hạ viện bác bỏ thỏa thuận Brexit. 	 Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh Theresa May chịu thất bại nặng nề khi Hạ viện bác bỏ thỏa thuận Brexit. Ảnh: Reuters

Với 423 phiếu chống và 202 phiếu ủng hộ thỏa thuận Brexit tại Hạ viện vào tối 15-1 (sáng 16-1, giờ Việt Nam), Thủ tướng Theresa May nhận thất bại nặng nề nhất trong lịch sử hiện đại của Vương quốc Anh khi thời điểm rời Liên minh châu Âu (EU) đang đến gần.

Điều đáng nói, trong số các nghị sĩ bỏ phiếu chống có đến 118 thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền. Theo AFP, khủng hoảng chính trị đang đe dọa quyền lực của Thủ tướng May và có thể dẫn đến việc Anh rời EU mà không có thỏa thuận; hoặc thậm chí đảo ngược hoàn toàn kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, nghĩa là không có việc rời khối này nữa.

Các tờ báo lớn hàng đầu tại Anh xem thất bại nói trên là “đáng hổ thẹn và đau đớn” của Thủ tướng May. Hơn nữa, chính phủ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lúc 19 giờ ngày 16-1 (giờ London), theo lời kêu gọi của Chủ tịch Công đảng đối lập Jeremy Corbyn, người đang mong muốn giành lại quyền lực từ tay phe Bảo thủ.

Tuy nhiên, đảng Bảo thủ và Liên minh Dân chủ Anh (DUP) vẫn chiếm đa số tại Hạ viện nên khả năng bà May bị hạ bệ là không cao. DUP tuy kiên quyết bác bỏ thỏa thuận Brexit nhưng vẫn ủng hộ bà May trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Các nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ Brexit cũng không muốn hạ bệ bà.

Nếu vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Thủ tướng May sẽ cần thêm thời gian để tiếp tục hoạch định thỏa thuận Brexit. Trong trường hợp ngược lại, bà sẽ phải rời cương vị và cuộc tổng tuyển cử lần thứ ba trong vòng 4 năm ở Anh có thể được tiến hành. Mặc dù chính bà May cũng tin sẽ “sống sót” trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhưng chưa rõ bà trên cương vị Thủ tướng, hay chiến lược Brexit tồn tại được bao lâu.

Hãng Bloomberg nhận định, Vương quốc Anh đang đứng trước những ngã rẽ nguy hiểm nhất và khó đoán định nhất trong nhiều thập niên. Trong lúc chỉ còn 10 tuần để Anh rời EU, các chính trị gia Anh và châu Âu đều cảnh báo, xứ sở sương mù sẽ khó tránh khỏi thảm họa về kinh tế khi rời “ngôi nhà chung” mà không có thỏa thuận. Theo đó, đồng bảng Anh sẽ sụt giá mạnh và thất nghiệp tăng vọt…

Nếu có bất kỳ kịch bản thay thế nào, trong đó có việc trưng cầu dân ý lần hai, thì sẽ phải hoãn thời điểm rời EU (ngày 29-3). Song, việc hoãn kế hoạch Brexit càng đẩy nước Anh vào tình trạng bấp bênh trong tương lai.

Thủ tướng May cho biết, bà sẽ khởi động các cuộc đàm phán liên đảng để kêu gọi sự đồng thuận trong vấn đề liên quan đến đường biên giới với Bắc Ireland, nhưng việc hàn gắn sự rạn nứt trên chính trường Anh trong lúc này là điều vô cùng khó khăn.

Người phụ trách tài chính của Công đảng John McDonnell nói rằng, bà May có thể có được cái gật đầu của Hạ viện nếu đàm phán thành công trong nội bộ đảng Bảo thủ. Song, theo ông Corbyn, đề nghị của nữ Thủ tướng là quá trễ và việc tổ chức tổng tuyển cử hiện là ưu tiên hàng đầu của chính trị gia Công đảng này.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Brexit nhiều khả năng bị rối loạn. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định, Brussels sẽ tiếp tục quá trình phê chuẩn thỏa thuận bởi đây là cách tốt nhất và duy nhất để bảo đảm một Brexit diễn ra có trật tự.

Ông Tusk khuyến cáo Anh nên xem xét việc đảo ngược hoàn toàn Brexit, nghĩa là Vương quốc này sẽ ở lại EU. Còn ông Nigel Farage - chính trị gia ủng hộ Brexit cho hay, Anh có thể hoãn thời điểm rời EU và tiến hành cuộc bỏ phiếu khác về tư cách thành viên của khối.

Dù theo kịch bản nào, nước Anh cũng chịu tổn hại. Nếu tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về Brexit sẽ chỉ càng làm người dân Anh thêm chia rẽ. Nếu tiến hành tổng tuyển cử và Công đảng giành thắng lợi, đảng này cũng sẽ phải cần có thêm thời gian để thương lượng một thỏa thuận mới với EU và thời hạn Brexit đương nhiên bị hoãn. Quyền tiếp quản tiến trình Brexit rõ ràng hiện rơi dần vào tay Quốc hội. Hãng Reuters cho hay, các nhà đầu tư đang lo ngại việc Anh rời EU trong tình trạng “tay trắng”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.