Hội nghị An ninh Munich Rạn nứt giữa hai bờ đại dương

.

Tại hội nghị An ninh Munich lần thứ 55 diễn ra ở Đức ngày 16-2, Mỹ và các cường quốc châu Âu bày tỏ quan điểm khác biệt từ vấn đề an ninh Trung Đông đến thương mại, minh chứng sự rạn nứt sâu sắc xuyên Đại Tây Dương, nhất là chung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA).

Tại hội nghị An ninh Munich lần thứ 55 diễn ra ở Đức ngày 16-2, Mỹ và các cường quốc châu Âu bày tỏ quan điểm khác biệt từ vấn đề an ninh Trung Đông đến thương mại, minh chứng sự rạn nứt sâu sắc xuyên Đại Tây Dương, nhất là chung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA).
Tại hội nghị An ninh Munich lần thứ 55 diễn ra ở Đức ngày 16-2, Mỹ và các cường quốc châu Âu bày tỏ quan điểm khác biệt từ vấn đề an ninh Trung Đông đến thương mại, minh chứng sự rạn nứt sâu sắc xuyên Đại Tây Dương, nhất là chung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA).

Hãng AP cho biết, bài phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhận được những tràng pháo tay khi kêu gọi tiếp cận đa phương về các vấn đề toàn cầu và ủng hộ quyết định của châu Âu trong việc bảo vệ JCPOA. Nhà lãnh đạo Đức chia sẻ quan ngại của Mỹ về những nỗ lực của Iran nhằm gia tăng sức mạnh ở Trung Đông. Song, bà Merkel bày tỏ sự thất vọng khi Mỹ và châu Âu chia rẽ vì JCPOA, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của ngoại giao quốc tế trong việc duy trì một kênh quan trọng với Tehran.

Đức, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU) không muốn JCPOA sụp đổ, vốn được Iran và nhóm cường quốc P5+1 ký kết năm 2015, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào năm ngoái. Với JCPOA, các biện pháp trừng phạt Iran được dỡ bỏ, nhưng Mỹ cho rằng thỏa thuận này sẽ giúp Tehran chế tạo bom hạt nhân. Có mặt tại Munich, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thúc giục các đối tác châu Âu chấm dứt mọi liên quan đến thỏa thuận và chỉ trích Iran “dẫn đầu các nước bảo trợ khủng bố trên thế giới”. “Đến lúc các đối tác châu Âu đứng về phía chúng tôi và người dân Iran, các đồng minh và bạn bè của chúng tôi ở khu vực. Đến lúc các đối tác châu Âu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran”, ông Pence nói.

Phó Tổng thống Mike Pence cáo buộc Tehran đang lên kế hoạch cho một vụ thảm sát “Holocaust mới” nhằm vào Israel và ấp ủ tham vọng tại khu vực các quốc gia Syria, Lebanon, Iraq, Yemen. Ông chỉ trích sáng kiến gần đây của Anh, Pháp và Đức cho phép các doanh nghiệp của châu Âu tiếp tục hoạt động ở Iran thông qua một cơ chế đặc biệt, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. “Nước Mỹ trên hết không có nghĩa là nước Mỹ đơn độc”, vị Phó Tổng thống Mỹ nói, đồng thời ca ngợi các kết quả dưới thời Tổng thống Donald Trump là “đáng chú ý”, “phi thường” và kêu gọi châu Âu theo gương Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo AP, ngoài vấn đề Iran, Thủ tướng Merkel còn cho rằng, việc Mỹ rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký với Nga năm 1987 gây quan ngại cho châu Âu. Mỹ lo lắng INF (hiệp ước cấm các tên lửa trên mặt đất với tầm bắn từ 500-5.500km) gây trở ngại cho việc đối phó với các tên lửa tầm trung do Trung Quốc triển khai. Vì vậy, bà Merkel kêu gọi không chỉ Mỹ, Nga, châu Âu mà còn cả Trung Quốc tham gia đàm phán INF. Tuy nhiên, cũng tại Munich, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định, các tên lửa của Bắc Kinh chỉ nhằm phòng vệ nên cường quốc châu Á này không đồng ý việc đa phương hóa INF.

Nga cũng tuyên bố rút khỏi INF. Nếu Mỹ và Nga không thay đổi quan điểm, hiệp ước này sẽ ngừng hoạt động vào tháng 8 tới. Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow sẵn sàng trở lại đối thoại.

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 55 diễn ra từ ngày 15 đến 19-2, tập trung nội dung cải tổ trật tự thế giới, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo thế giới, các quan chức hàng đầu về quốc phòng và ngoại giao.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.