Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đang có những ý kiến khác nhau về cuộc khủng hoảng ở Venezuela, trong đó đặt ra vấn đề: ai đại diện quốc gia Nam Mỹ này tại LHQ. Nga cho rằng, chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hợp pháp nên không cần có bất kỳ thay đổi nào đối với chiếc ghế đại diện ở cơ quan gồm 193 thành viên.
Tổng thống Nicolas Maduro vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội Venezuela cùng Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters |
Ngày 2-2 (giờ New York, Mỹ), HĐBA LHQ sẽ nhóm họp để bàn về khủng hoảng ở Venezuela. Hãng Reuters cho biết, chỉ 3 ngày sau khi tự xưng là “Tổng thống lâm thời”, Chủ tịch Quốc hội - thủ lĩnh đối lập ở Venezuela, ông Juan Guaido, đã viết thư gửi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đề nghị hỗ trợ quốc gia Nam Mỹ này cấp bách đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo. Tuy nhiên, chiếc ghế của Venezuela tại LHQ do chính phủ của Tổng thống hợp pháp Nicolas Maduro nắm giữ nên ông Guterres không thể thực hiện đề nghị nói trên mà không có sự đồng ý của Tổng thống đương nhiệm hay sự chấp thuận của HĐBA LHQ. Trong bức thư gửi ông Guaido ghi ngày 29-1, Tổng Thư ký LHQ Guterres viết: “LHQ sẵn sàng gia tăng hoạt động tại Venezuela ở những nơi cần hỗ trợ nhân đạo và phát triển. Tuy nhiên, LHQ cần sự đồng ý và hợp tác của chính phủ”.
Trong khi đó, chính phủ của Tổng thống Maduro bác bỏ việc xảy ra khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela và quy trách nhiệm các vấn đề kinh tế của đất nước này là do những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Hầu hết các nước Mỹ Latinh, Canada, các quốc gia châu Âu và Mỹ đã công nhận ông Guaido là “Tổng thống lâm thời” của Venezuela nhưng Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối điều này và vẫn ủng hộ Tổng thống Maduro, người vừa tái đắc cử hồi tháng 5-2018 trong một cuộc bầu cử hợp hiến. Ngày 10-1 vừa qua, ông Maduro tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2, còn ông Guaido cũng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội trong tháng 1.
Theo Reuters, ngay khi xảy ra khủng hoảng ở Venezuela, LHQ đã tranh cãi về việc ai đại diện quốc gia Nam Mỹ này tại cơ quan gồm 193 thành viên. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia kiên quyết cho rằng, chính phủ của Tổng thống Maduro hợp pháp nên không cần có bất kỳ sự thay đổi nào đối với chiếc ghế ở LHQ.
Trong lúc đó, báo The Telegraph dẫn lời ông Guaido cho hay, nhà lãnh đạo đối lập này đã có những cuộc gặp bí mật với các tướng lĩnh quân đội Venezuela để tìm kiếm sự ủng hộ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez một lần nữa khẳng định quân đội vẫn trung thành với Tổng thống Maduro. Nhiều cuộc tuần hành đã diễn ra tại một số bang ở Venezuela như Barina, Lara, Vargas, Aragua… nhằm bày tỏ sự đoàn kết với chính phủ của Tổng thống Maduro và phản đối sự can thiệp của các nước bên ngoài vào công việc nội bộ của quốc gia Nam Mỹ này. Cuộc tuần hành quy mô lớn dự kiến được tổ chức tại thủ đô Caracas vào ngày 2-2 nhằm kỷ niệm 20 năm cuộc Cách mạng Bolivar và ngày tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên của cố Tổng thống Hugo Chavez (2-2-1999).
Hiện người dân Venezuela lo ngại lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ siết chặt nguồn cung nhiên liệu của quốc gia Nam Mỹ này trong những ngày tới. Vì vậy, nhiều người xếp hàng dài bên ngoài các trạm xăng dầu của Tập đoàn dầu khí quốc doanh (PDVSA) để mua xăng tích trữ. Theo lệnh trừng phạt của Mỹ, từ ngày 28-1, các cơ sở lọc dầu của cường quốc hàng đầu thế giới không được mua dầu của PDVSA trừ khi họ chấp nhận thanh toán tiền qua các tài khoản không liên kết với chính phủ của Tổng thống Maduro; các công ty Mỹ cũng không được xuất khẩu hàng hóa hay các dịch vụ khác cho PDVSA.
Các nhà quan sát cho rằng, lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ tác động rất lớn đến Venezuela bởi nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ huyết mạch, chiếm gần như toàn bộ nguồn thu ngoại tệ của đất nước. Chuyên gia Carlos de Sousa tại Công ty tư vấn Oxford Economics (Anh) trước đó dự đoán GDP của Venezuela sẽ giảm 10% trong năm 2019 nhưng nay ông cho rằng, con số này có thể lên đến 30%.
PHÚC NGUYÊN