Khoảng 50 quốc gia, trong đó có Mỹ, đã chính thức ngừng bay hoặc đóng cửa không phận với máy bay Boeing 738-MAX, các đơn đặt hàng “chim sắt” này cũng đang được xem xét lại. Điều này khiến tập đoàn Boeing đối mặt nguy cơ thiệt hại lên đến 600 tỷ USD.
Máy bay Boeing 737-MAX 8 của hãng Southwest Airlines đỗ tại sân bay quốc tế Baltimore Washington (Mỹ) ngày 13-3. Ảnh: AFP/Getty Images |
Sau khi Mỹ tham gia cùng các nước khác trên thế giới ngừng bay đối với các máy bay Boeing 737-MAX do lo ngại an toàn, các đơn đặt hàng dòng máy bay này hiện bị “đóng băng” mặc dù công tác sản xuất vẫn diễn ra.
5.000 đơn hàng lung lay
Hãng Reuters dẫn một số phân tích ước tính, mỗi tháng Boeing 737-MAX “nằm đất” có thể khiến doanh thu của tập đoàn Boeing thiệt hại từ 1,8 tỷ đến 2,5 tỷ USD. Trong khi đó, theo ước tính của hãng Melius Research và Jefferies (Mỹ), việc đình chỉ hoạt động toàn bộ máy bay 737-MAX có thể gây thiệt hại từ 1 tỷ USD đến 5 tỷ USD nếu lệnh cấm kéo dài 3 tháng. Tuy nhiên, đó là chưa kể hơn 5.000 đơn hàng từ 100 khách hàng với tổng trị giá hơn 600 tỷ USD đang lung lay khi các hãng hàng không thế giới cân nhắc lại việc theo đuổi các hợp đồng Boeing 737-MAX. Mới nhất là việc Giám đốc điều hành hãng hàng không Garuda Indonesia, ông Ari Askhara lên tiếng rằng hãng có thể hủy đơn đặt hàng 20 chiếc máy bay Boeing 737-MAX.
Ngoài ra, khoản bồi thường của Boeing cho 59 hãng hàng không đang sở hữu 387 chiếc MAX 737 bị đình chỉ trên toàn thế giới là không nhỏ. Đơn cử, hãng hàng không Norwegian Air (Na Uy) tuyên bố sẽ đòi Boeing bồi thường các tổn thất về doanh thu và chi phí khi 18 máy bay 737-MAX mà hãng này sở hữu ngừng cất cánh. Chỉ riêng tuần này, cổ phiếu của Boeing đã mất giá 12%, giá trị thị trường của Boeing bốc hơi khoảng 27 tỷ USD.
Hai hộp đen được chuyển đến Pháp
Theo AFP, khi quyết định tạm thời cấm máy bay Boeing 737-MAX, giới chức Mỹ nói rằng, bằng chứng mới cho thấy có những tương đồng giữa vụ tai nạn máy bay Boeing 737-MAX 8 của hãng Ethiopian Airlines ngày 10-3 vừa qua làm 157 người chết ở Ethiopia với vụ việc của hãng Lion Air ở Indonesia vào cuối tháng 10 năm ngoái làm 189 người thiệt mạng. Trong lúc chờ đợi thông tin điều tra thêm về nguyên nhân của hai thảm họa này, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh ngừng khai thác toàn bộ dòng Boeing 737-MAX 8 và MAX 9 cho đến khi có thông báo mới. Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng đêm 13-3, Tổng thống Donald Trump khẳng định: “An toàn của người Mỹ và tất cả dân tộc là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi”. Theo đó, hãng American Airlines có 24 máy bay bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.
Sau Trung Quốc, Singapore, Úc, Hàn Quốc, Argentina, hàng loạt quốc gia đã ngừng khai thác hoặc cấm Boeing 737-MAX như: Canada, Chile, Mexico, Brazil, Costa Rica, Panama, Colombia, Nigeria, Lebanon, Ai Cập, Serbia, Việt Nam, New Zealand, Ấn Độ, Anh, Đức, Pháp, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait… Ngày 14-3, Nhật Bản cũng đưa ra lệnh cấm Boeing 737-MAX.
Trong lúc đó, ngày 14-3, tại Ethiopia, nhiều người thân của các nạn nhân tập trung tại khách sạn Skylight thuộc hãng Ethiopian Airlines, gần sân bay quốc tế Bole, thủ đô Addis Ababa. Họ mang theo ảnh của nạn nhân và tức giận chỉ trích hãng hàng không này thiếu minh bạch thông tin, đồng thời yêu cầu phải có câu trả lời về vụ tai nạn. Trong số 157 người thiệt mạng, có 9 nạn nhân là công dân Ethiopia, cùng 32 người Kenya, 18 người Canada, 8 người Trung Quốc, 8 người Ý… Các đại sứ quán Canada, Trung Quốc và Kenya đã đề nghị hãng Ethiopian Airlines bố trí phòng lưu trú cho các gia đình nạn nhân của nước họ.
Hiện 2 hộp đen của máy bay gặp nạn, bao gồm thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) và thiết bị ghi âm buồng lái (CVR), đã được chuyển đến thủ đô Paris (Pháp) để tiến hành phân tích.
Hãng Reuters dẫn nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Pháp cho hay, nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus và Ethiopian Airlines đang bàn thảo một hợp đồng mới. Cụ thể, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã đề cập khả năng một hợp đồng mới trong chuyến công cán của ông chủ Điện Élysée đến Addis Ababa hồi đầu tuần này.
Các hãng hàng không Việt Nam hiện chưa khai thác dòng máy bay Boeing 737-MAX, riêng Vietjet đã ký hợp đồng đặt mua 200 chiếc, dự kiến chiếc đầu tiên sẽ được chuyển giao vào tháng 10 tới. Vietjet cho biết, hãng này đang theo dõi tình hình và sẽ quyết định có tiếp tục hợp đồng hay không sau khi có kết luận chính thức từ giới chức quốc tế và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. |
PHÚC NGUYÊN