Triều Tiên thử vũ khí mới: Thông điệp gửi Mỹ

.

Việc CHDCND Triều Tiên bất ngờ thử vũ khí dẫn đường chiến thuật mới vào ngày 17-4 được cho là thông điệp gửi Mỹ khi Washington thiếu linh hoạt trong đàm phán hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang để ngỏ khả năng gặp thượng đỉnh lần ba với Mỹ. Trong ảnh: Ông Kim Jong-un thị sát huấn luyện của lực lượng không quân Triều Tiên tại một địa điểm không xác định. 			   		             Ảnh: AFP
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang để ngỏ khả năng gặp thượng đỉnh lần ba với Mỹ. Trong ảnh: Ông Kim Jong-un thị sát huấn luyện của lực lượng không quân Triều Tiên tại một địa điểm không xác định. Ảnh: AFP

Thông tin về việc thử thành công loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới có sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un được CHDCND Triều Tiên công bố vào ngày 18-4. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA không mô tả chính xác đó là loại vũ khí gì, là tên lửa hay loại vũ khí nào khác.

Trong khi đó, hãng AFP cho hay, “chiến thuật” ngụ ý là loại vũ khí tầm ngắn, không phải là vũ khí đạn đạo tầm xa có khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ. KCNA cho biết, loại vũ khí vừa được thử thành công “có chế độ bay hướng dẫn đặc biệt” và “một đầu đạn hỏa lực mạnh”.

Cũng theo KCNA, vũ khí được thử không phải là tên lửa đạn đạo tầm xa có thể hủy hoại đàm phán nên Triều Tiên chỉ muốn gia tăng niềm tin của người dân nước này vào sức mạnh an ninh quốc gia, đồng thời trấn an các quan chức quân sự trong nước - những người đang lo lắng rằng chính sách ngoại giao với Mỹ có dấu hiệu yếu đi.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng khẳng định, việc hoàn tất phát triển hệ thống vũ khí là sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng cường sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân. Các nhà phân tích cho rằng, có thể Triều Tiên muốn bày tỏ sự không hài lòng khi Mỹ từ chối nới lỏng các lệnh trừng phạt. Giới phân tích cũng gọi vụ thử nghiệm này là một kiểu “khiêu khích ở mức độ thấp” trước cách thức đàm phán hạt nhân của Mỹ.

Một nhà phân tích của Hàn Quốc nói với hãng AP rằng, vũ khí vừa được thử nghiệm có thể là loại tên lửa hành trình mới. Ông Vipin Narang, chuyên gia về Triều Tiên, phó giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), phát biểu với tờ The Telegraph rằng, đó có thể là một tên lửa dẫn đường chống tăng, một hệ thống tên lửa phóng đa năng hoặc một hệ thống tên lửa khác liên quan đến hoạt động phòng thủ trên biển hoặc trên không.

Theo ông Narang, nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như muốn nhắc nhở cả Mỹ lẫn đồng minh Hàn Quốc rằng, mọi việc có thể xảy ra nếu Washington không kiềm chế trên bàn đàm phán.

Theo hãng AP, dư luận ở Hàn Quốc lo ngại Triều Tiên sẽ trở lại hành động thử tên lửa và hạt nhân trước đây như cách thức để buộc Mỹ từ bỏ lập trường cứng rắn trong việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Hiện tại, Washington vẫn đòi Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi được dỡ bỏ trừng phạt. Song, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Mintaro Oba nhận định, Triều Tiên không thể đẩy căng thẳng gia tăng nghiêm trọng.

Năm 2017, khi Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản ứng bằng “cơn lửa giận”, đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang.

Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt đáng kể về ngoại giao, đỉnh cao là các cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tại Singapore và sau đó là tại Hà Nội (Việt Nam). Triều Tiên đã ngừng thử tên lửa tầm xa và hạt nhân. Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều cũng đã gặp nhau 3 lần nhằm thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Song, vẫn có những lo ngại rằng, tiến trình này có thể bị hủy hoại bởi Washington và Bình Nhưỡng chưa tìm được tiếng nói chung trong việc dỡ bỏ trừng phạt và giải giáp hạt nhân. Tuần trước, ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên để ngỏ hội nghị thượng đỉnh lần 3 với Mỹ, nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ ngồi vào bàn nghị sự chỉ khi nào Washington thay đổi lập trường về trừng phạt.

Sau khi công bố vụ thử nghiệm vũ khí mới, CHDCND Triều Tiên đề nghị Mỹ cử một người khác “thận trọng và thành thục hơn” làm trưởng đoàn đàm phán hạt nhân thay thế Ngoại trưởng Mike Pompeo. Tổng Giám đốc phụ trách các vấn đề về Mỹ tại Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong Gun lý giải, nếu ông Pompeo tiếp tục dẫn đầu đoàn đàm phán phía Mỹ, quá trình đàm phán sẽ rối ren, không lối thoát và không đạt kết quả, bởi nhà ngoại giao hàng đầu này không hiểu lập trường của Bình Nhưỡng.

Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên chỉ trích ông Pompeo. Tháng 7-2018, khi đến Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ bị lên án về những yêu sách cứng nhắc “như gangster” khi yêu cầu nước này đơn phương giải giáp hạt nhân. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cũng cáo buộc ông Pompeo và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cản trở đàm phán mang tính xây dựng giữa hai lãnh đạo Mỹ - Triều tại hội nghị thượng đỉnh lần hai.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.