Iran dự kiến đề nghị Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe làm trung gian hòa giải giữa Tehran và Mỹ để gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu mỏ. Tuy nhiên, sứ mệnh hòa giải chưa hẳn thành công bởi chuyến thăm Tehran của ông Abe vẫn chủ yếu hướng đến lợi ích kinh tế.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) gặp gỡ Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại Tokyo vào tháng 5-2019. Ảnh: EPA |
Ngày 12-6, trước khi Thủ tướng Shinzo Abe đến sân bay quốc tế Mehrabad ở thủ đô Tehran, các quan chức Iran nói rằng, chính phủ nước này sẽ đề nghị nhà lãnh đạo Nhật Bản làm trung gian để Mỹ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của quốc gia Cộng hòa Hồi giáo. Một quan chức Iran phát biểu với hãng Reuters: “Nhật Bản có thể giúp xoa dịu căng thẳng giữa Iran và Mỹ… Với động thái thiện chí, Mỹ nên gỡ bỏ các lệnh trừng phạt bất công nhằm vào dầu mỏ, hoặc gia hạn cơ chế miễn trừ, hoặc đình chỉ lệnh này”.
Một quan chức khác của Iran nhận định, Thủ tướng Nhật Bản có thể là trung gian hòa giải tuyệt vời, bởi Tokyo luôn tôn trọng Tehran và ông Abe có thể đóng vai trò xây dựng để “hạ nhiệt” căng thẳng, vốn có nguy cơ gây thêm khủng hoảng ở khu vực Trung Đông.
Để “dọn đường” cho chuyến thăm, ngay trong ngày 12-6, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã có cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono tại Tehran, đề cập thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), các vấn đề song phương và căng thẳng ở khu vực.
Hãng Reuters cho biết, ông Abe - người vừa là bạn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vừa là bạn của các nhà lãnh đạo Iran - thực hiện chuyến thăm trong 4 ngày giữa lúc căng thẳng giữa Tehran với Washington có nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự. Căng thẳng dấy lên từ năm ngoái, khi Mỹ rút khỏi JCPOA và áp đặt trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Iran.
Thời gian gần đây, Washington triển khai tàu sân bay và các máy bay ném bom B-52 đến vịnh Persian để đối phó với những gì được mô tả là “mối đe dọa từ Tehran”. Mỹ cũng cấp quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran cho 8 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có Nhật Bản) nhưng Tổng thống Trump đã chấm dứt quy chế này từ ngày 22-4.
Đài truyền hình Iran dẫn lời ông Abe phát biểu trước lúc rời Tokyo rằng, Nhật Bản muốn làm nhiều việc có thể nhằm hướng đến hòa bình và ổn định ở Trung Đông. Sứ mệnh của ông là làm cầu nối thu hẹp những khác biệt trong mối quan hệ giữa Iran và Mỹ.
Trong lúc này, Mỹ cũng đưa ra tín hiệu sẵn sàng nới lỏng trừng phạt đối với Iran, nhưng Tehran tuyên bố không thể ngồi vào bàn nghị sự cùng Tổng thống Trump khi Washington vẫn tiến hành “chiến tranh kinh tế” chống lại nước này. Tại cuộc họp nội các ngày 12-6, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh, sức ép của Mỹ nhằm vào nước ông đang mất đi sức mạnh.
Trong bối cảnh như vậy, bất kỳ bước đi nào của Thủ tướng Abe làm giảm sự hoài nghi và thù địch cũng sẽ được xem là thành tựu. Song, ông Abe là nhà điều hành ổn định nền kinh tế lớn thứ ba thế giới giỏi hơn làm nhà đàm phán hòa bình.
Theo GS. Kazuo Takahashi tại một trường đại học ở Nhật Bản, “những gì ông Abe có thể làm phụ thuộc vào những gì ông Trump trao cho”. GS. Robert Dujarric, người đứng đầu Viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại Tokyo cho rằng, điều ông Abe có thể đạt được trong chuyến thăm là thuyết phục Mỹ - Iran nối lại đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên, một chuyên gia năng lượng Iran hoài nghi việc ông Abe có thể giúp tái khởi động đàm phán, hoặc Mỹ sẽ “mềm hóa” lệnh trừng phạt, hoặc Tehran sẽ chấp nhận một số yêu cầu của Washington xung quanh thỏa thuận hạt nhân.
Theo hãng Bloomberg, Nhật Bản muốn ngăn chặn căng thẳng ở vùng Vịnh vượt khỏi tầm kiểm soát. Thực tế, Tokyo phụ thuộc nhiều vào năng lượng ở Trung Đông. Trong những năm qua, khi mối quan hệ Mỹ - Iran xấu đi, Nhật Bản cũng giảm đáng kể lượng dầu thô nhập từ Iran; thay vào đó, Tokyo ủng hộ nguồn cung đến từ các đối thủ vùng Vịnh như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Kuwait - tất cả đều là đồng minh của Washington.
Hơn nữa, với các vụ tấn công những tàu chở dầu của Saudi Arabia xảy ra hồi tháng 5 vừa qua và Iran đe dọa làm gián đoạn tuyến đường vận chuyển ở vịnh Persian, việc duy trì sự ổn định các nguồn cung dầu là điều tối quan trọng với Nhật Bản. “Về chính trị, chúng ta chưa bao giờ có vấn đề lớn với chính phủ Iran. Mối quan hệ kinh tế của chúng tôi đang bị mắc kẹt bởi áp lực từ Washington”, Chủ tịch Viện Kinh tế Trung Đông của Nhật Bản ở Tokyo, ông Koichiro Tanaka nói.
PHÚC NGUYÊN