Vụ tấn công 2 tàu chở dầu làm dấy lên nguy cơ xung đột tại vùng Vịnh. Mỹ, Anh và Saudi Arabia quyết đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ).
Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13-6, Ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc Iran là thủ phạm tấn công 2 tàu chở dầu trên vịnh Oman. Ảnh: Getty Images |
Việc tàu Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) vận hành và tàu Front Altair của hãng tàu biển Frontline (Na Uy) bị tấn công ở vịnh Oman ngày 13-6, cùng các vụ nổ làm thiệt hại 4 tàu chở dầu cũng tại khu vực này cách đây một tháng được cho là “những diễn biến nguy hiểm”, nhất là trong lúc căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang. Chiều tối 14-6 (giờ Việt Nam), trước sự thúc ép của Mỹ, Anh và Saudi Arabia, HĐBA LHQ họp khẩn để bàn thảo về tình hình vùng Vịnh. Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên án vụ tấn công và cho rằng không thể để xảy ra một cuộc đối đầu lớn tại khu vực “nóng” này.
Trong các vụ tấn công nói trên, Mỹ đều đổ lỗi cho Iran. Trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13-6 (giờ Washington), Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định Iran phải chịu trách nhiệm và gọi đây là “sự leo thang căng thẳng không thể chấp nhận được”. Theo quyền đại sứ Mỹ tại LHQ Jonathan Cohen, vụ việc lần này là “một minh chứng nữa về hoạt động gây bất ổn của Iran ở khu vực”.
Quân đội Mỹ còn công bố video cho thấy thuyền hải quân Iran đang gỡ vật mà Washington nói là “mìn chưa nổ” khỏi thân tàu vừa bị tấn công. Song, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, Trung tá Earl Brown, khẳng định cuộc chiến với Iran không nằm trong lợi ích chiến lược của Washington và lợi ích của cộng đồng quốc tế.
Iran bác bỏ các cáo buộc và chỉ trích Mỹ đang thực hiện “chiến thuật ngoại giao” nhằm gia tăng áp lực lên quốc gia Hồi giáo này sau hàng loạt biện pháp trừng phạt chủ yếu nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh, Mỹ chính là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của khu vực và toàn cầu. “Hai năm qua, chính phủ Mỹ vi phạm toàn bộ quy định và cơ cấu quốc tế, sử dụng các nguồn lực kinh tế, tài chính và quân sự, theo đuổi cách tiếp cận hiếu chiến, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự ổn định của khu vực và thế giới”, ông Rouhani phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở thủ đô Bishkek của Kyrgystan ngày 14-6.
Nhà lãnh đạo Iran chỉ trích việc Mỹ không những rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà nước ông đã ký với nhóm cường quốc P5+1 hồi năm 2015, mà còn gây áp lực với các nước khác, vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ về bình thường hóa các tiếp xúc thương mại với Tehran.
Vịnh Oman nằm ở lối vào Hormuz. Giới chức Mỹ tuyên bố, Washington muốn bảo đảm quyền tự do hàng hải ở eo biển này và thương mại quốc tế không bị gián đoạn. Iran cũng khẳng định có trách nhiệm duy trì an ninh tại eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển 1/5 lượng dầu thô của thế giới (khoảng 17,2 triệu thùng dầu/ngày); đồng thời lặp lại cảnh báo sẽ phong tỏa eo biển Hormuz nếu nước này không thể bán dầu do các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Thực tế, lượng dầu xuất khẩu - huyết mạch kinh tế của Iran giảm từ 2,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4-2018 xuống còn 400.000 thùng/ngày trong tháng 5-2019.
Vụ tấn công mới nhất vào 2 tàu chở dầu ở vịnh Oman cho thấy những thách thức an ninh đối với tuyến đường biển quan trọng tại Trung Đông. Vấn đề đặt ra là trong lúc chưa rõ nguyên nhân vụ việc, những cáo buộc, chỉ trích theo kiểu “ăn miếng trả miếng” có thể càng làm dấy lên căng thẳng và gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự.
Một vấn đề khác là khủng hoảng ở Trung Đông có thể đe dọa thị trường năng lượng. “Những sự việc như thế có thể dẫn đến giá dầu tăng lập tức”, ông Anthony Cordesman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế viết, nhưng các nhà phân tích cũng giảm quan ngại về khả năng giá dầu tăng đột biến trong năm nay.
Theo báo USA Today, hầu hết dầu thô xuất khẩu từ Saudi Arabia, Iran và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait và Iraq đều phải được vận chuyển qua eo biển Hormuz, nối giữa vịnh Persian và vịnh Oman. UAE và Saudi Arabia đang tìm tuyến đường khác thay thế. |
PHÚC NGUYÊN