EU lo ngại nạn tin giả

.

Một vấn đề nổi cộm thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong những năm gần đây là tin giả gia tăng nhanh chóng trong các kỳ bầu cử ở nhiều quốc gia. Tin giả lan tràn trên Twitter, YouTube và các dịch vụ truyền thông xã hội khác khiến nhiều nước lo ngại tình trạng này đe dọa an ninh quốc gia, tính trung thực, chính xác của các cuộc bầu cử…

Một ví dụ điển hình là trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, vào thời điểm chiến dịch tranh cử bắt đầu khởi động tại các nước Liên minh châu Âu (EU), các công ty Internet cần có những giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm sự minh bạch của quảng cáo mang tính chính trị. EC cũng hối thúc các nền tảng Internet cung cấp quyền tiếp cận hệ thống dữ liệu của họ để phục vụ mục đích nghiên cứu, đồng thời để bảo đảm hợp tác giữa các nền tảng và các nước thành viên thông qua hệ thống báo động khẩn cấp.

Trong khi đó, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cam kết đấu tranh chống mọi “tin giả”. Ông Juncker cảnh báo không chỉ một số nước ngoài EU mà còn cả một số thành viên của khối này đã dùng tin giả hòng tác động đến kết quả cuộc bầu cử EP. Ông Juncker tuyên bố: EC đã sẵn sàng mọi biện pháp nhằm chấm dứt nạn tin giả.

Trước yêu cầu của EU, các tập đoàn Internet đã đẩy mạnh cuộc chiến chống các chiến dịch gieo rắc thông tin giả. Facebook xóa bỏ nhiều trang ban đầu chứa nội dung phi chính trị và thu hút nhiều người theo dõi nhưng sau đó đổi tên để trở thành các trang chính trị. Facebook cũng lập một trung tâm về các chiến dịch tranh cử EP tại Ireland nhằm giám sát hành vi lợi dụng mạng xã hội tác động đến kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, tình trạng tin giả xung quanh cuộc bầu cử EP vẫn tràn lan trên mạng đến mức EC mới đây cho rằng, cần thiết bổ sung các biện pháp mạnh để ngăn chặn cả về phía các quốc gia thành viên lẫn phía mạng xã hội như Facebook, Google và Twitter… EC đang xem xét việc nghiêm trị các công ty hoạt động trên nền tảng Internet như Google, Twitter và Facebook sau chiến dịch tin giả và mưu toan can thiệp vào cuộc bầu cử EP vừa qua.

Năm ngoái, EC cũng đưa ra “quy tắc ứng xử” với mạng xã hội và các công ty hoạt động dịch vụ trên nền tảng Internet về các quảng cáo bầu cử trực tuyến. EC vẫn đang để cho các công ty này tự giác đề ra biện pháp loại bỏ tin giả. Tuy nhiên, qua thực tế cuộc bầu cử EP, EC muốn xem xét liệu có cần chuyển sang các biện pháp quản lý hay không. Đặc biệt, tình trạng tin giả tác động đến đời sống chính trị và cuộc sống bình thường của người dân các nước châu Âu hiện nghiêm trọng tới mức hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 20 và 21-6 sẽ bàn thảo vấn đề này.

Qua đó để thấy rằng, tin giả không còn xa lạ đối với công chúng nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, khi công nghệ số phát triển nhanh chóng như hiện nay, tin giả thường sử dụng những chi tiết giật gân câu khách hoặc những tin tức có yếu tố “nóng” lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Vì vậy, bức tranh truyền thông đương đại trở nên hỗn loạn, méo mó.

Mặt khác, tin giả mang muôn vàn khuôn mặt mới với những mối đe dọa mới. Đấy không chỉ là những tin đồn, tin nhảm, mà còn là những tin giả được loan truyền có tổ chức, có chủ ý, bóp méo sự thật đến mức phi lý, góp phần kích động dẫn đến những hành động sai trái trong một bộ phận nhân dân.

Thậm chí, nó còn giữ vai trò thúc đẩy cho một xu hướng chính trị không lạnh mạnh hay một tác động tiêu cực cho con người cụ thể nào đó… Do đó, tin giả được xem là vấn nạn mang tính toàn cầu và cuộc chiến chống tin giả đang là vấn đề cấp bách của các quốc gia.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.