"Món quà Giáng sinh" và căng thẳng Mỹ - Triều

.

Mỹ tuyên bố không từ bỏ đàm phán nhưng đe dọa dùng vũ lực nếu cần thiết với Triều Tiên, trong lúc “thời hạn cuối” mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt ra để Washington tháo gỡ bế tắc đang đến gần.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát vụ thử vũ khí ngày 28-11 vừa qua.   	          Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát vụ thử vũ khí ngày 28-11 vừa qua. Ảnh: Reuters

Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở London (Anh) ngày 3-12 (giờ địa phương), phát biểu với các nhà lãnh đạo trong khối, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi ông Kim Jong-un là người “thích phóng tên lửa” (Rocket Man) và đe dọa dùng vũ lực chống lại Triều Tiên nếu cần thiết. Song, ông Trump bày tỏ hy vọng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ chấp nhận phi hạt nhân hóa. Hãng Bloomberg gọi đây là dấu hiệu mới nhất về sự gia tăng căng thẳng giữa hai nước trước “thời hạn cuối” (hết tháng 12-2019).

Phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên nói rằng đang chuẩn bị “quà Giáng sinh” cho Mỹ nếu Washington không nhượng bộ trong đàm phán hạt nhân trước khi kết thúc năm nay. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae Song cảnh báo, Mỹ sẽ nhận “quà Giáng sinh” tương ứng với hành động của cường quốc này. Các nhà quan sát nhận định, đây là lời đe dọa khôi phục các hoạt động thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), trừ khi Mỹ thể hiện sự linh hoạt trong đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ trước thời điểm kết thúc năm nay.

Theo báo Business Insider, nhà nghiên cứu Joshua Pollack của Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, California (Mỹ) cho rằng, Triều Tiên có lịch sử thử tên lửa trong khoảng thời gian giữa tháng 2 đến tháng 9. Nhưng “quà Giáng sinh” mà Thứ trưởng Ri Thae Song đề cập đã lặp lại tuyên bố hồi tháng 7-2017 của Bộ Ngoại giao Triều Tiên về vụ phóng 3 ICBM, tất cả tên lửa này đã rơi xuống khu vực phía tây Nhật Bản. Theo PGS. Vipin Narang về khoa học chính trị tại MIT, thành viên của Chương trình Nghiên cứu An ninh thuộc MIT, tuyên bố của Bình Nhưỡng không có nghĩa nước này sẽ thử ICBM để làm “quà Giáng sinh” hay “quà năm mới”. Vị chuyên gia này cho rằng, tất cả có thể chỉ nhằm gây áp lực, tạo đòn bẩy với Tổng thống Trump.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gặp gỡ nhau tổng cộng 3 lần tại Singapore, Việt Nam và biên giới liên Triều; cùng dành cho nhau nhiều lời khen ngợi, mở ra hy vọng về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Song, tiến trình đàm phán vẫn đang bế tắc.

Những tháng gần đây, ông Kim Jong-un cảnh báo có thể có “con đường mới” trong quan hệ với Mỹ nếu Washington không tuân thủ “thời hạn cuối”. Song, Bình Nhưỡng vẫn nối lại các hoạt động thử vũ khí. Mới đây nhất, ngày 28-11, Bình Nhưỡng phóng 2 quả đạn pháo phản lực siêu lớn rơi xuống biển Nhật Bản và đây là vụ thử vũ khí lần thứ 13 kể từ tháng 5 đến nay. Thành ra “thời hạn cuối” do phía Triều Tiên đưa ra khiến ông Trump phải xem đàm phán Mỹ - Triều là chính sách đối ngoại lớn nhất của mình trước thềm tranh cử tổng thống năm 2020. “Thời hạn cuối” cũng cho thấy ông Kim Jong-un muốn đạt được thỏa thuận với Mỹ để dỡ bỏ lệnh trừng phạt và việc ra “tối hậu thư” chỉ nhằm gia tăng sức ép, giành ưu thế hơn trên bàn đàm phán, bởi Bình Nhưỡng đã không thử hạt nhân và ICBM trong gần 2 năm qua.

Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tuyên bố Mỹ sẽ không từ bỏ đàm phán. Song, ông Biegun nói đến một kịch bản rất xấu: khả năng mối quan hệ giữa hai nước lùi về “giai đoạn khiêu khích trước khi tiến trình ngoại giao bắt đầu”, nghĩa là trở lại thời kỳ Tổng thống Trump đe dọa dùng “lửa và thịnh nộ” để đối phó với Bình Nhưỡng (!?).

Hãng Reuters cho biết, Đảng Lao động Triều Tiên sẽ nhóm họp ở Bình Nhưỡng vào cuối tháng 12 này để “thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng”. Theo yêu cầu của Pháp, Anh và Đức, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến tổ chức cuộc họp kín vào ngày 4-12 (giờ Mỹ) để thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.